Công khai thông tin mua sắm công trong CPTPP: Báo Đấu thầu cần đáp ứng thông lệ quốc tế

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội phê chuẩn, trong đó có việc Việt Nam lần đầu tiên sẽ tiến hành mở cửa thị trường mua sắm chính phủ. Báo Đấu thầu của Việt Nam được quy định là tờ báo công khai các loại thông tin về đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP. 
Báo Đấu thầu của Việt Nam được quy định là tờ báo công khai các loại thông tin về đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP
Báo Đấu thầu của Việt Nam được quy định là tờ báo công khai các loại thông tin về đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP

Phóng viên Báo Đấu thầu phỏng vấn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân xung quanh việc làm thế nào thực hiện tốt chức năng công khai thông tin về hoạt động mua sắm công nội khối CPTPP trên Báo Đấu thầu. 

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi chúng ta mở cửa thị trường mua sắm công với các nước trong CPTPP?

Trong quy định của CPTPP thì nội dung mua sắm chính phủ được mở rộng không còn bị giới hạn như trong các hiệp định thương mại tự do trước đây. Trong đấu thầu, chúng ta cung cấp hàng hóa, thiết bị cho mua sắm công ở phạm vi rộng hơn, không giới hạn phạm vi trong nước mà là quốc tế.

Mặt khác, điều này có thách thức lớn đối với DN trong nước. Hiện tại, trong mua sắm chính phủ của Việt Nam, chúng ta đang áp dụng chính sách khuyến khích dùng các sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất được trong đấu thầu. Khi thực hiện đầy đủ cam kết của CPTPP thì các DN sản xuất hàng hóa, thiết bị trong nước sẽ không còn lợi thế đó nữa do có sự cạnh tranh rất cao từ các nhà sản xuất quốc tế.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận của chúng ta vẫn còn có lộ trình thực hiện, mở cửa từ từ thị trường mua sắm chính phủ. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất cũng như các nhà thầu có thời gian để chuẩn bị nâng cao năng lực tốt hơn trong cung cấp các sản phẩm hàng hóa, cũng như cạnh tranh trong quá trình đấu thầu.

Công khai thông tin mua sắm công trong CPTPP: Báo Đấu thầu cần đáp ứng thông lệ quốc tế ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân
Công khai thông tin mua sắm chính phủ nói riêng và minh bạch nhiều lĩnh vực nói chung theo quy định của CPTPP có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo thưa ông?

Minh bạch là điều tích cực. Bản thân Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các cơ chế minh bạch và chính cam kết trong CPTPP là điều kiện thúc đẩy hơn nữa thị trường trong nước, hoạt động mua sắm chính phủ phải thực hiện phương châm minh bạch, liêm chính hơn nữa.

Thách thức lớn nhất lại nằm ở sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, thiết bị; cạnh tranh ở các nhà thầu tham gia đấu thầu. Chúng ta phải chịu sự cạnh tranh từ quốc tế, đó là điều mà các DN phải chú ý.

Còn minh bạch, chúng ta mong nhờ tác động từ CPTPP làm cho hoạt động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, hoạt động quản trị nhà nước sẽ được minh bạch hơn. Đây là sức ép nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện việc xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, kiến tạo phát triển.

Với việc tham gia CPTPP, ông đánh giá như thế nào về việc minh bạch hoạt động mua sắm công của Việt Nam?

Khi chưa tham gia vào CPTPP, bản thân mua sắm chính phủ ở Việt Nam cũng đã có quy định công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu trên Báo Đấu thầu.

Phương tiện thông tin đại chúng chính thống này phải có trách nhiệm đưa tất cả những thông tin về hoạt động đấu thầu của các bộ, ngành, địa phương, những đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước một cách công khai để các doanh nghiệp, nhà thầu có thể tham gia, cạnh tranh trong đấu thầu.

Khi tham gia CPTPP thì với những gói thầu trong quy định mở cửa với các nước tham gia ký kết Hiệp định thì thông tin về đấu thầu sẽ được công khai rộng hơn trong phạm vi quốc tế. Như vậy, thông tin khi đó phải đảm bảo quy chuẩn quốc tế, điều kiện quốc tế và những quy định ràng buộc mà CPTPP đã quy định.

Báo Đấu thầu là kênh thông tin chính thống của Việt Nam công khai các loại thông tin về đấu thầu theo quy định của CPTPP

Theo ông, Báo Đấu thầu cần làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ công khai thông tin nói chung và công khai hoạt động mua sắm công theo quy định của CPTPP?

Vai trò của Báo Đấu thầu - cơ quan truyền thông đại chúng - khi được nhận nhiệm vụ này không chỉ chuyển tải thông tin của các gói thầu, mà quan trọng hơn là tạo ra được khuôn khổ thông tin đáp ứng được yêu cầu của thông lệ quốc tế.

Những thông tin khi đưa lên Báo Đấu thầu theo các quy định của CPTPP phải được thẩm định đầy đủ, có tiêu chí rõ ràng và phải tạo thuận lợi cho các nhà thầu quốc tế cũng như nhà thầu trong nước trong quá trình tham gia đấu thầu.

Với vai trò là kênh thông tin chính thống của Việt Nam công khai các loại thông tin về đấu thầu theo quy định của CPTPP, Báo Đấu thầu cần phải chuyển tải đầy đủ các thông tin liên quan đến toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu của một gói thầu như: công khai thông báo mời thầu, điều kiện xét thầu, kết quả xét thầu, chấm thầu…

Khi các nhà thầu trong nước và đặc biệt là nhà thầu quốc tế, qua kênh thông tin từ Báo Đấu thầu, có thể tham gia nhiều vào các gói thầu thì tính công khai, minh bạch, hiệu quả sẽ được bảo đảm. Việc công khai, minh bạch thông tin sẽ giúp tránh xảy ra khiếu kiện, phản ánh Việt Nam không tuân thủ các cam kết của CPTPP.        

Chuyên đề