Còn nhiều dư địa hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoa Kỳ hiện nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại Diễn đàn Thúc đẩy Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới được tổ chức ngày 16/11 nhân sự kiện đường bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức được thiết lập, xét về thế mạnh của mỗi nước và sự bổ trợ lẫn nhau thì dư địa hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/10/2021, Hoa Kỳ có 1.134 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 9.717 tỷ đồng. Ngược lại, trong 3 năm gần đây, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vào Hoa Kỳ có bước tăng trưởng mạnh, hiện có khoảng 200 dự án đầu tư ra nước ngoài vào Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, ở nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bất động sản...

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, số lượng thống kê trên chưa thể hiện hết sự hợp tác giữa hai nước, bởi nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam là của các tập đoàn lớn Hoa Kỳ thông qua nước thứ ba. Nếu thống kê đầy đủ, con số đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất nhiều.

Bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp tích cực về mặt kinh tế, ông Chung còn đặc biệt nhấn mạnh tới tác động lan tỏa của các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua việc tôn trọng pháp luật tại Việt Nam, đóng góp quan trọng trong quá trình phòng chống dịch. Các dự án đầu tư của Hoa Kỳ còn giúp thu hút đầu tư của các nước khác vào Việt Nam.

“Không chỉ dựa trên số lượng dự án mà chính hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua đóng góp rất quan trọng trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI”, ông Chung nhấn mạnh.

Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, song nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: chế tạo - chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm...

Đối với những dự án đang triển khai tại Việt Nam, sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo ông Chung, đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.

Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có thể nói thể chế chính sách của Việt Nam hiện nay gần như đã tương đồng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Các chính sách thu hút đầu tư cũng đã có những thay đổi theo hướng phù hợp với các tiêu chí cao hơn, thu hút đầu tư có chọn lọc với những ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong thời gian qua, tiềm lực kinh tế của Việt Nam cũng đã có những sự phát triển mạnh. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh mẽ.

"Đây là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cho việc kết nối hợp tác giữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong thời gian tới", ông Chung nhận định.

Việc mở đường bay thẳng trực tiếp Việt Nam - Hoa Kỳ của Vietnam Airlines sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho lĩnh vực logistics...

Việc mở đường bay thẳng trực tiếp Việt Nam - Hoa Kỳ của Vietnam Airlines sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho lĩnh vực logistics...

Theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) - Tổng Giám đốc Công ty T&M Forwarding, việc mở đường bay thẳng trực tiếp Việt Nam - Hoa Kỳ của Vietnam Airlines sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho lĩnh vực logistics, vận chuyển hàng không sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc đầu tư hạ tầng cảng biển, sân bay tại Việt Nam là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà đầu tư logistics của Hoa Kỳ. Cùng với đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể đào tạo chuyển đổi số, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Trần Phương Lâm - Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn N&G (N&G Group) - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hiệp hội Hansiba) cho rằng, các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ đang đầu tư có hiệu quả trong việc phát triển quỹ đất xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp. Cùng với quá trình này, các quỹ đầu tư có thể kết hợp đánh giá dự án để tài trợ vốn cho dự án tiềm năng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ đó tiến tới cùng hợp tác phát triển.

Ông Lâm cho biết, mới đây, Công ty CP Công nghiệp phụ trợ TOMECO (Hoa Kỳ) và Công ty CP Đầu tư phát triển N&G (thành viên Tập đoàn N&G) đã ký kết hợp đồng thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước, theo bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau. Trong đó, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện Hiệp định TIFA để có một cơ chế làm việc với nhau hiệu quả hơn.

Về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đại diện AmCham cho rằng, cần có sự đồng bộ về việc thực thi giữa các địa phương về chính sách thuế cùng một mặt bằng, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số. Hoa Kỳ hiện sở hữu những doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang dần có nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Để thúc đẩy hợp tác phát triển dịch vụ số giữa hai nước, thì cần phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, các ngân hàng, quỹ đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số. Hạ tầng năng lượng cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đồng thời Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA... Do đó, trong thời gian tới, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đề xuất, Chính phủ hai nước cần rà soát, cập nhật lại các hiệp định song phương, và các khuôn khổ hợp tác kinh tế đã có và đang có để vừa thúc đẩy tiềm năng hợp tác vừa tháo gỡ những khó khăn mà hai nước đang quan tâm; xây dựng lộ trình để nâng quan hệ đối tác toàn diện lên tầm đối tác chiến lược. Điều này phù hợp với lợi ích của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chuyên đề