Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 3 gói thầu mua thuốc với tổng giá gói thầu gần 4.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Còn nhiều dư địa đấu thầu thuốc tập trung
Các đơn vị MSTT trong lĩnh vực y tế đã bước sang năm thứ hai triển khai đấu thầu tập trung (ĐTTT) thuốc cấp quốc gia theo quy định của Luật Đấu thầu. Tính từ năm 2017 đến nay, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 - 2019 đối với 13 gói thầu. Cả hai đơn vị này đang tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho năm 2019 - 2020.
Trong đó, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia vừa tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 3 gói thầu. Tổng giá gói thầu là gần 4.800 tỷ đồng. Số lượng nhà thầu tham dự khá đông đảo, trong đó có nhiều nhà thầu tham dự cùng lúc nhiều gói thầu với khoảng 150 lượt nhà thầu. Dự kiến, giữa tháng này, đơn vị MSTT thuốc này sẽ tổ chức đóng, mở thầu đối với 7 gói thầu nữa, trong đó có 1 gói thầu gia hạn lần thứ hai. Danh mục thuốc ĐTTT cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm thực hiện gồm có 25 mặt hàng, chia thành nhóm là thuốc tim mạch và thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch.
Còn đối với Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, đơn vị này vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật đối với 7 gói thầu. Đã có 70 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có nhiều nhà thầu tham gia cùng lúc nhiều gói thầu. Tổng giá gói thầu là hơn 11.600 tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, kết quả lựa chọn nhà thầu của cả 2 đơn vị nêu trên sẽ lần lượt được công bố vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Năm 2017, hai đơn vị trên đã tổ chức lựa chọn nhà thầu khá thành công với tỷ lệ tiết kiệm đáng kể. Tại Trung tâm MSTT thuốc quốc gia, tổng giá trúng thầu của 22 mặt hàng thuốc là 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng (17,4%) so với giá kế hoạch gói thầu (giá kế hoạch xây dựng theo giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng trước). Còn tại Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, tổng giá trúng thầu của 20 mặt hàng là 935,99 tỷ đồng, giảm 251,13 tỷ đồng (21,12%) so với giá thuốc trúng thầu bình quân trên cả nước năm 2017.
Nếu tính tổng giá thuốc trúng thầu của cả hai đơn vị nói trên thì chưa đến 10% tổng số tiền chi khám chữa bệnh BHYT năm 2017 (khoảng 37.000 tỷ đồng). Điều này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung với trên 1.600 mặt hàng thuộc Danh mục thuốc đấu thầu.
Đây cũng là giải pháp được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp này nhằm giảm chi phí tiền thuốc, từ đó giảm áp lực chi cho Quỹ BHYT. Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là tăng tỷ lệ sử dụng thuốc generic, giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, quản lý chặt chẽ giá thuốc biệt dược đã hết bản quyền theo hướng thực hiện đàm phán giá hoặc đưa vào các nhóm thuốc phù hợp để đấu thầu. Thứ hai là thực hiện nghiêm việc đấu thầu, thẩm định và kiểm soát chặt chẽ giá kế hoạch của các gói thầu, mở rộng số lượng danh mục thuốc ĐTTT cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá cấp quốc gia để giảm chi.
Nhân rộng đấu thầu tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao
Với hiệu quả rõ rệt từ việc ĐTTT thuốc, nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng ĐTTT sang các mặt hàng hóa chất, vật tư y tế tiêu hao nhằm thống nhất giá về cùng một mặt bằng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ chi của Quỹ BHYT cho các mặt hàng vật tư y tế là khoảng 6,5%.
Một trong những giải pháp để giảm áp lực chi cho Quỹ BHYT được Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội ngay đầu kỳ họp này cũng là thí điểm tiến tới nhân rộng ĐTTT hoặc đàm phán giá đối với hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, nhất là các loại hóa chất, vật tư tiêu hao thông dụng, sử dụng nhiều; thực hiện ĐTTT vật tư y tế, trước mắt tập trung vào các vật tư y tế thay thế sử dụng trong điều trị có số lượng sử dụng lớn, nhiều chủng loại, nhiều mức giá.
Đây cũng là nội dung đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể ngay từ đầu năm. Tiếp đó, vào giữa năm 2018, Phó Thủ tướng tiếp tục đưa ra thời hạn trình đề xuất này là tháng 11/2018.
Tính đến nay, Bộ Y tế mới phê duyệt Đề án Thí điểm MSTT một số vật tư y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020 và giao cho Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Báo Đấu thầu, mọi việc vẫn đang trong quá trình chuẩn bị.