Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực phát triển tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, vấn đề toàn cầu và là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030. Do đó, việc thiết kế chính sách phát triển kinh tế tăng trưởng xanh phải đảm bảo nhanh và bền vững, trong đó con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất, tránh tình trạng “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.
Đây là năm thứ 25 Diễn VBF được hình thành cho đến nay. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Diễn đàn được tổ chức thành 2 phiên, gồm: phiên kỹ thuật và phiên cấp cao.
Đây là năm thứ 25 Diễn VBF được hình thành cho đến nay. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Diễn đàn được tổ chức thành 2 phiên, gồm: phiên kỹ thuật và phiên cấp cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định như vậy trước cộng đồng DN trong và ngoài nước ở Phiên cấp cao Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF) do do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đồng tổ chức vào sáng 19/3, tại Hà Nội.

Tránh tăng trưởng trước, dọn dẹp sau

Tại Phiên kỹ thuật được tổ chức ngày 17/3 dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, ông Soren Pedersen – Đồng chủ tịch Diễn đàn tóm tắt, 11 tổ công tác của VBF đã thảo luận về những khó khăn khó khăn, vướng mắc chung mà cộng đồng DN đã và đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện có hiệu quả các cam kết về PTBV liên quan đến lĩnh vực thuế; hải quan; y tế; du lịch; đất đai, chi phí vận tải…

Tại Phiên cấp cao diễn ra sáng ngày 19/3, cộng đồng DN tiếp tục thảo luận một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: nội luật hóa thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu; thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thông qua các tổ chức tín dụng trong nước để huy động vốn quốc tế; tạo thuận lợi về tài chính cho các công ty Việt Nam; mua bán điện trực tiếp, chuyển dịch năng lượng và tạo điều kiện tiếp cận ngay năng lượng tái tạo cho các nhà sản xuất; hỗ trợ phát triển kinh tế số…

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển. Do đó, Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới, kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả.

Khẳng định định hướng chiến lược và quan điểm của Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

“Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho người dân”, Thủ tướng yêu cầu.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “nâu” sang “xanh”

Theo đại diện Chính phủ, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu và có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và DN. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là DN và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.

Tất cả các ý kiến tại Diễn đàn này được Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo để có chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như kiến nghị sửa đổi thể chế, cơ chế chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý, khẩn trương phản hồi các kiến nghị, tăng cường đối thoại chính sách, truyền thông chính sách, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Đồng thời, xem xét tiếp thu, lồng ghép các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các đại biểu tại Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, ngành để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH; đồng thời, phục vụ trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Cho ý kiến về một số vấn đề nổi cộm được cộng đồng DN và nhà đầu tư quan tâm như visa, giấy phép lao động, thuế tối thiểu toàn cầu, phát triển thị trường năng lượng tái tạo, sửa đổi các luật: Đất đai, Nhà ở, Đấu thầu, Dược…, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tiếp tục giải quyết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, theo hướng tạo cơ hội cho DN hoạt động thuận lợi nhất, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế mà không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Với chủ đề điều hành năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi cho các DN mở rộng đầu tư, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên. Do đó, Thủ tướng kỳ vọng: “Diễn đàn VBF sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng DN; phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm đối thoại, không có gì ngăn cản được chúng ta hợp tác trên tinh thần cùng thắng”.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng và sự quan tâm của các bộ ngành đến những vấn đề của các DN để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế bền vững, ông Soren Roed Pedersen, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn tin tưởng rằng, các mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực quan trọng khác. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và đóng góp nhiều hơn vào thành công và PTBV nền kinh tế Việt Nam”.

Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), WB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng một thị trường phát thải carbon, để có cách tiếp cận đầy đủ tiềm năng của thị trường này, từ thay đổi môi trường pháp lý, khơi thông nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư cũng như giảm thiểu phát thải carbon.

Kết thúc Buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự. Từ những ý kiến xác đáng của các DN, chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy có nhiều nhiệm vụ đặt ra với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội cần được tiếp tục triển khai trong thời gian tới như hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế số (an ninh mạng, thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phát triển đội ngũ nhân lực số, xây dựng xã hội số, điện toán đám mây…), điều chỉnh thể chế và hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng “nâu” sang “xanh” (năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện ký LNG…), phát triển kinh tế tuần hoàn…

“Mong rằng cộng đồng DN sẽ cùng đồng hành với Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các cam kết về PTBV. Các DN bắt đầu khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo sẽ hiến kế về phát triển kinh tế xanh, có sự lan toả với cộng đồng, cùng chung tay xây dựng nền kinh tế xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp. Vì vậy, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Các đối tác có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới:

Điểm mà chúng tôi thực sự muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch Điện VIII là: Đây chính là kênh đầu tư cho tăng trưởng xanh, không có đầu tư như vậy, chúng ta sẽ không biết mình cần đầu tư những gì, đầu tư đó cần bao nhiêu chi phí, cũng như làm thế nào để huy động nguồn tài chính cho những dự án đầu tư đó.

WB mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện văn kiện này sớm nhất có thể.

Chúng ta cũng đã đề cập tương đối nhiều đến cơ chế giá mua bán điện, tôi xin khuyến nghị nên áp dụng mua sắm đấu thầu các dự án về năng lượng tái tạo bảo đảm minh bạch và mang tính cạnh tranh, từ đó nâng cao năng lực kỹ thuật, đồng thời giảm thiểu những rủi ro cắt giảm công suất. Phải mất 2 năm để hoàn thiện khung khổ mua sắm đấu thầu là quá dài, theo tôi, cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, nếu như vẫn muốn giữ chân các nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam cần có khung giá về các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là hệ thống pin lưu trữ năng lượng… Việt Nam cần tới 16 tỷ USD đầu tư, nâng cấp lưới điện truyền tải, đó là số tiền rất lớn. WB có thể cung cấp nguồn tài chính này, nhưng Chính phủ cần đánh giá lại khung pháp lý về nguồn tài trợ chính thức cho EVN cũng như các DN liên kết của EVN.

Bên cạnh đó, WB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng một thị trường phát thải carbon, để có cách tiếp cận đầy đủ tiềm năng của thị trường này, từ thay đổi môi trường pháp lý, khơi thông nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư cũng như giảm thiểu phát thải carbon.

Chuyên đề