Đầu tư ứng dụng công nghệ cao chính là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp Việt bứt phá. Ảnh: Minh Phương |
GDP nông, lâm, thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, đặc biệt là ước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp.
Chuyển biến trong hoạt động đầu tư
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, Bộ đã hoàn thành 51 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý, nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai được cải thiện; củng cố nâng cấp 1.581 km đê sông, 1.331 km đê biển. Cả năm giải ngân đạt 15.000 tỷ đồng, cao hơn 8.285 tỷ đồng so với năm 2017.
Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư theo hướng đa mục tiêu; đã làm tốt công tác dự báo quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, đảm bảo phòng tránh úng ngập. Năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đã tăng thêm khoảng 10 nghìn ha, năng lực tiêu đã tăng thêm khoảng 10 nghìn ha.
Về thu hút đầu tư tư nhân, Bộ đã lựa chọn và đề xuất các dự án tiên phong (1 nhà máy thủy lợi, 1 dự án thủy sản, 1 dự án nhà máy nước sạch nông thôn) để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, cùng 15 tập đoàn đa quốc gia triển khai thí điểm mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP) đối với cung cấp dịch vụ công trong chuỗi sản xuất nông nghiệp 5 nhóm ngành hàng: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hàng hóa chung. Tới nay, Bộ đã thành lập 7 nhóm công tác PPP ngành hàng, thu hút đầu tư hợp đồng sản xuất với trên 220.000 hộ nông dân trên toàn quốc...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thực tế có nhiều DN lớn, uy tín đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT. Đến nay, cả nước có 50.000 DN đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 8% tổng số DN, cao hơn nhiều so với mức 2% trước đó. “Dù con số này còn ít, nhưng bước đầu đã có một số DN lớn đầu tư và có thể coi đó là một thành công”, Thủ tướng nhìn nhận và cho biết thêm, đáng mừng là trong năm 2018 đã có 18 nhà máy chế biến sâu lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 đi vào hoạt động...
Về dài hạn, Thủ tướng cho rằng, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất. Và ngay trong năm 2019 này, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt cao, ít nhất là đạt 42 - 43 tỷ USD.
Nhưng sức hút đầu tư còn kém
Trình bày tại Hội nghị, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang thừa nhận, sức hút để DN bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp còn kém. Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là cơ chế pháp lý trong mối quan hệ giữa DN với nông dân; lãi suất hỗ trợ đầu tư còn nhiều khó khăn...
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, thị trường đất nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản. Điều này cản trở sản xuất lớn, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó cho DN...
Với thực trạng đó, bà Võ Thị Ánh Xuân kiến nghị, cơ chế chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cần mạnh mẽ hơn, bởi đây là con đường tất yếu cho ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững. “Nếu không thu hút DN đầu tư vào ngành, tạo chuỗi liên kết giá trị thì sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục bấp bênh, không bền vững”, bà Xuân cảnh báo.
Đồng quan điểm, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp chính là “chìa khóa vàng” cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, để ngành nông nghiệp Việt Nam tăng tốc, bứt phá, thể chế chính sách cho DN cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy phát triển.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed cũng kiến nghị cần phát triển ngành công nghiệp giống cây trồng Việt Nam. Cùng với đó, cơ chế thuế đối với DN đầu tư nông nghiệp cần có chính sách riêng thay vì đánh đồng như các DN chứng khoán, bất động sản…