Có thật “chảy máu ngoại tệ” sau khi hạ lãi suất USD về 0%?

Kể từ nửa cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra một loạt giải pháp chính sách nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa.
Tỷ giá trong quý I/2016 có xu hướng giảm và thị trường ngoại hối khá ổn định
Tỷ giá trong quý I/2016 có xu hướng giảm và thị trường ngoại hối khá ổn định

Trong số các chính sách đó, đáng lưu ý phải kể đến quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế và cá nhân xuống 0%/năm. Đây là những quyết định "mạnh tay" chưa có trong tiền lệ và gây ra khá nhiều tranh cãi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách hạ lãi suất huy động USD về mức 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, kết hợp với nhu cầu vay ngoại tệ ở mức thấp đã làm cho các NHTM gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ, hay còn được gọi là "bẫy thanh khoản".

Kết quả là, các NHTM buộc phải lựa chọn kênh sinh lời tốt nhất là gửi ngoại tệ kỳ hạn ngắn tại nước ngoài. Số liệu để dẫn chứng cho tác động không mong đợi này là mức gia tăng đột biến của dòng vốn đầu tư khác lên đến 7,3 tỷ USD vào cuối quý III/2015, theo số liệu thống kê cán cân thanh toán do NHNN công bố.

Quyết định hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0%/năm chính là nhằm mục tiêu giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ bằng cách giảm thiểu tối đa lợi ích khi nắm giữ USD. Đây cũng là bước tiền đề cho việc tung ra cơ chế điều hành tỷ giá mới ngay từ đầu năm 2016.
Vậy có phải đã có 7,3 tỷ USD được chuyển ra nước ngoài sau quyết định đưa lãi suất USD về 0% không? Điểm bất hợp lý đầu tiên trong những nhận định trên là diễn biến tăng mạnh của dòng vốn đầu tư khác diễn ra trong quý III/2015, trong khi quyết định hạ lãi suất của NHNN lại áp dụng từ quý IV/2015.

Phân tích sâu hơn số liệu trên bảng cán cân thanh toán quốc tế do NHNN công bố sẽ cho thấy, cấu phần của dòng vốn đầu tư khác bao gồm cả các khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung và dài hạn của nền kinh tế và tiền, tiền gửi của khu vực khác. Nếu loại trừ các khoản mục này, tiền gửi tại nước ngoài của các NHTM chỉ tăng thêm 5,9 tỷ USD trong quý III/2015.

Điều đáng nói ở đây là mức gia tăng đột biến của cấu phần tiền gửi tại nước ngoài của các NHTM trong quý III/2015 chịu tác động chủ yếu của các yếu tố đến từ bên ngoài. Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và TTCK lao dốc, sự kiện đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh trong tháng 8/2015 và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất đã gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD.

Mặc dù NHNN đã có phản ứng nhanh chóng thông qua điều chỉnh tăng cả biên độ giao dịch tỷ giá và cả tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngay trong tháng 8/2015, nhưng sức nóng trên thị trường ngoại hối dường như không giảm sút.

Thị trường cho rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá vượt qua mức cam kết đầu năm 2015 của NHNN sẽ không dừng lại và tỷ giá sẽ tiếp tục được điều chỉnh trước sức ép của các yếu tố bên ngoài cũng như từ chính thị trường trong nước. Vì vậy, đầu cơ găm giữ ngoại tệ tăng mạnh.

Phân tích sâu hơn cán cân thương mại theo từng khu vực sẽ giúp lý giải các quyết định của NHNN. Mặc dù cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu trong năm 2015 nhưng có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực FDI và khu vực trong nước. Trong khi các DN FDI xuất siêu lớn thì nhập siêu lại là “căn bệnh” kinh niên của các DN trong nước.

Sự mất cân đối giữa cung và cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối xuất phát chủ yếu do các DN FDI giữ ngoại tệ không bán cho các NHTM, từ đó ngoại tệ không thể được điều tiết một cách nhịp nhàng sang cho khu vực DN trong nước đang thiếu ngoại tệ. Nó phản ánh qua số liệu tiền và tiền gửi tại nước ngoài của các NHTM, đặc biệt là nhóm ngân hàng phục vụ các DN FDI luôn tăng mạnh mỗi khi thị trường ngoại hối có sự biến động. Vì vậy, giải quyết triệt để tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ giúp giải tỏa những mất cân đối trên thị trường ngoại hối.

Quyết định hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0%/năm chính là nhằm mục tiêu giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ bằng cách giảm thiểu tối đa lợi ích khi nắm giữ USD. Đây cũng là bước tiền đề cho việc tung ra cơ chế điều hành tỷ giá mới ngay từ đầu năm 2016. Sự kết hợp đồng thời các giải pháp này đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ.

Theo số liệu cán cân thanh toán quốc tế quý IV/2015 vừa được NHNN công bố, khoản mục tiền và tiền gửi tại nước ngoài của các NHTM đã giảm mạnh, chỉ còn tăng thêm 369 triệu USD so với mức tăng 5,9 tỷ USD của quý III/2015 và tương tự dòng vốn đầu tư khác cũng giảm từ 7,3 tỷ USD xuống còn 3,1 tỷ USD.

Các chính sách của NHNN còn tiếp tục chứng tỏ hiệu quả khi tỷ giá trong quý I/2016 có xu hướng giảm và thị trường ngoại hối khá ổn định. Mục tiêu của chính sách "chuyển từ quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ" đang từng bước đạt được khi tăng trưởng cả huy động và tín dụng ngoại tệ đều giảm, trong khi đó NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ đáng kể trong quý I/2016 để gia tăng dự trữ ngoại hối.

Bất kỳ chính sách kinh tế vĩ mô nào, không chỉ chính sách tiền tệ, đều cần có một độ trễ nhất định để tác động đến nền kinh tế. Việc kiên nhẫn chờ đợi và phân tích, đánh giá tác động của các chính sách một cách khách quan sẽ giúp cho DN và các nhà đầu tư tránh được những rủi ro không đáng có.                 

Chuyên đề