Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, Nasdaq lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
Phiên bán tháo này diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại về lãi suất tăng và những bấp bênh xung quanh báo cáo việc làm sắp công bố...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/5), khi nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn và tìm sự trú ẩn ở những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ cao hơn. Phiên bán tháo này diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại về lãi suất tăng và những bấp bênh xung quanh báo cáo việc làm sắp được công bố.

Theo tin từ Reuters, loạt cổ phiếu công nghệ lớn gồm Microsoft, Alphabet, Apple, Amazon và Facebook đồng loạt bị xả mạnh. Trong đó, mức giảm lớn nhất 3,5% thuộc về cổ phiếu Apple. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index, một thước đo giá cổ phiếu của các công ty sản xuất con chip, cũng giảm 1,6%.

“Mỗi khi thị trường tạm dừng xu hướng tăng hoặc có sự điều chỉnh giảm, mọi người thường có khuynh hướng rút vốn khỏi các cổ phiếu tăng trưởng và mua những cổ phiếu phòng thủ”, ông Randy Frederick, Phó chủ tịch Charles Schwab, nhận định.

Các nhóm cổ phiếu vật tư và tài chính tiếp tục xu hướng tăng từ phiên thứ Hai, đạt mức tăng tương ứng 1% và 0,7% trong phiên này, nhờ dòng vốn tiếp tục chảy vào những cổ phiếu chu kỳ.

Lúc đóng cửa, Nasdaq sụt 1,9%, còn 13.633,5 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,7%, còn 4.164,66 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 0,06%, còn 34.133,03 điểm.

Một phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen về khả năng cần phải tăng lãi suất khiến việc bán tháo cổ phiếu công nghệ càng diễn ra mạnh mẽ. Nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng lên sẽ gây áp lực lớn lên mức định giá của các công ty có mức tăng trưởng lớn.

“Có thể lãi suất sẽ phải tăng ở một mức độ nào đó để đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta không quá nóng, cho dù mức tăng tiêu dùng là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế”, bà Yellen nói tại một diễn đàn trực tuyến do The Atlantic tổ chức.

“Phố Wall chưa thể biết được Fed có đang phạm vào một sai lầm chính sách hay không, cho tới sau vài tháng nữa. Điều này khiến nhiều nhà giao dịch cổ phiếu cảm thấy lo ngại”, nhà phân tích Edward Moya thuộc Oanda nhận định.

Cũng theo ông Moya, thị trường còn đang thận trọng trước khi báo cáo việc làm tháng 4 được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này. Bản báo cáo sẽ là một dữ liệu quan trọng để đánh giá sâu hơn về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nỗ lực kích cầu của Chính phủ Mỹ, chiến dịch tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau cú sụt vì Covid-19 trong năm ngoái, theo đó đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ lên những mức cao kỷ lục trong năm nay. Tuy nhiên, gần đây, những cổ phiếu hưởng lợi nhiều trong thời gian đại dịch hoành hành, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, bắt đầu giảm sức hấp dẫn đối với giới đầu tư.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 mang tới những báo cáo đầy lạc quan. Đến hiện tại, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 được dự báo tăng gần 48% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức dự báo tăng chỉ 24% đưa ra vào thời điểm đầu tháng 4 - theo dữ liệu từ Refinitiv.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,47 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,6 lần.

Toàn thị trường có 12,21 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trong phiên này, đánh dấu phiên giao dịch sôi động nhất trong vòng hơn 1 tháng.

Chuyên đề