Cơ hội từ các khu kinh tế lớn tại miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai khu kinh tế (KKT) lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là Dung Quất (Quảng Ngãi) và Vân Phong (Khánh Hoà) đã hoàn tất nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu tính số năm tối đa theo định hướng phát triển thì KKT Dung Quất có 22 năm (đến 2045) và KKT Vân Phong có 27 năm (đến 2050) để bắt đầu một chu kỳ đầu tư và phát triển mới. Trong các nội dung điều chỉnh, đáng chú ý là hai địa phương đều định hướng xây dựng sân bay trong KKT.
Khu vực Bắc Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) có định hướng xây dựng sân bay theo quy hoạch điều chỉnh đến năm 2050. Ảnh: Minh Hạnh
Khu vực Bắc Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) có định hướng xây dựng sân bay theo quy hoạch điều chỉnh đến năm 2050. Ảnh: Minh Hạnh

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, theo định hướng quy hoạch KKT Vân Phong, đến năm 2050, khu vực phía Bắc Vân Phong (KKT Vân Phong) sẽ được quy hoạch phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha (thuộc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh). Đi kèm với đó là các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang.

“Đây sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp, có sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế như casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế”, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã định hướng xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn (cách đất liền khoảng 30 km). Định hướng này trở nên cụ thể và chi tiết hơn khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ ưu tiên dành quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông lên đến 2.900 ha vào năm 2030, chiếm 6,4% quỹ đất quy hoạch và đến năm 2045 là 3.200 ha, chiếm 7,06% quỹ đất.

Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, quỹ đất hạ tầng này sẽ tập trung xây dựng hạ tầng cảng biển, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics có diện tích hơn 600 ha, trong đó có sân bay Lý Sơn… Sân bay này dự kiến là sân bay lưỡng dụng (kết hợp quân sự và dân dụng) cấp 4C, năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm.

KKT Vân Phong có quy mô khoảng 150.000 ha, gồm 79.178 ha mặt nước và 70.822 ha phần đất liền và đảo. Đến nay KKT Vân Phong đã thu hút 150 dự án đầu tư, trong đó có 122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,68 tỷ USD (đạt 65% vốn đăng ký), giải quyết việc làm cho 11.802 lao động.

KKT Dung Quất (diện tích 45.332 ha) và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có 346 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 17,6 tỷ USD. Trong đó có 57 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 15,8 tỷ USD; có 249 dự án đã đi vào hoạt động.

Về những đề xuất xây dựng sân bay trong KKT Vân Phong và KKT Dung Quất, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ở duyên hải miền Trung, các KKT luôn là tọa độ thu hút các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước. Vì vậy, việc các KKT Vân Phong và Dung Quất đều định hướng có sân bay sẽ thêm cơ hội thu hút cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. "Trong điều kiện hiện nay, những đề xuất đột phá mạnh mẽ như thế để thay đổi cấu trúc và chức năng của KKT là cần thiết và kịp thời", ông Thiên phân tích.

Theo ông Trần Đình Thiên, đây không phải là điều xa vời, mà có cơ sở đê xác định khi Nha Trang - Vân Phong đang là tuyến hội tụ phát triển đặc biệt với các tuyến cao tốc kết nối Khánh Hòa với các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông; với 4 sân bay hiện hữu bao bọc Cam Ranh, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột và Liên Khương. Trong khi đó, Dung Quất sẽ phát triển thành trung tâm năng lượng mới với lĩnh vực thu hút đầu tư đặc thù là trung tâm lọc hoá dầu quốc gia, trung tâm luyện cán thép và tương lai là trung tâm du lịch với “đặc sản” là du lịch biển đảo tại Lý Sơn.

“Với sân bay, cảng biển trung chuyển quốc tế hiện đại, cả cảng biển du lịch lẫn cảng biển công nghiệp, xét trong bối cảnh hiện nay, vị thế của Vân Phong, Dung Quất được coi là nguồn lực, thế mạnh quốc gia, là động lực phát triển mới của vùng và là tọa độ cạnh tranh quốc tế hiện đại của nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên nhận định.

Chuyên đề