Cơ hội lịch sử thu hút dòng vốn chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thế giới vừa trải qua một năm rất khó khăn, dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ giữ được sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), mà nhiều cơ hội mang tính lịch sử đang mở ra, tạo bước ngoặt mới trong thu hút dòng vốn chất lượng cao, đặc biệt vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN xung quanh câu chuyện này.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đã trải qua một năm nhiều dấu ấn trong hoạt động thu hút ĐTNN. Ông nhận định thế nào về kết quả này?

Kết quả năm nay so với năm ngoái có nhiều yếu tố tốt hơn. Trong đó, vốn thực hiện năm 2023 hơn 23 tỷ USD là con số rất tích cực, thể hiện 2 điều, nhà đầu tư (NĐT) đăng ký rồi có quyết tâm vào thật không và Việt Nam có hấp thụ được vốn không. NĐT phải xem yếu tố pháp luật, hạ tầng, nhân lực có đáp ứng không, nhà cung cấp có ổn định không, logistics, năng lượng có tốt không thì mới quyết định giải ngân vốn. Đây mới là dòng vốn thật và là số liệu quan trọng. Nhìn lại năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), làn sóng ĐTNN rất mạnh mẽ, vốn đăng ký rất cao, nhưng vốn thực hiện lại thấp. Nhiều chuyên gia nhận định sự chuẩn bị của Việt Nam khi đó dường như chưa đủ để tiếp thu, còn nhiều vướng mắc chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư, hạ tầng, thủ tục hành chính... Những năm gần đây, khoảng cách giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký dần gần nhau hơn cho thấy môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, hấp thu được vốn ĐTNN.

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn

Quan trọng hơn, chất lượng dòng vốn đang có nhiều thay đổi, thu hút ĐTNN không còn chạy theo số lượng mà đã dần hướng vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút theo Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhìn về đối tác đầu tư, quan sát dòng vốn từ Hoa Kỳ, châu Âu năm 2023 có những dấu hiệu tích cực. Nếu nhìn vào con số 11 tháng năm 2023, lượng vốn từ Hoa Kỳ và Đức vào Việt Nam tăng nhiều so với năm 2022 và bình quân nhiều năm trước. Ở châu Âu, Đức là quốc gia đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất, nếu thu hút được vốn đầu tư từ Đức thì dòng vốn từ châu Âu sẽ tăng lên đáng kể.

Kết quả ấn tượng nữa trong hoạt động thu hút ĐTNN năm 2023 là Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của NĐT trong những lĩnh vực kinh tế mới phù hợp định hướng phát triển, mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam dựa trên nền tảng năng suất. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và tiếp theo là Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) tới Việt Nam để tìm hiểu, thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là những tín hiệu rất tốt. Tôi cho rằng, việc Chính phủ đặt quyết tâm cao thu hút có trọng điểm vào lĩnh vực bán dẫn với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm của thế giới về phát triển bán dẫn là rất đúng. Bởi đây vừa là lợi thế của Việt Nam khi có nguồn đất hiếm lớn thứ hai thế giới, vừa giúp nâng cao năng lực về mặt công nghệ.

Thu hút mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nào, thưa ông?

Việt Nam đang có những cơ hội để tạo ra chuyển biến lớn trong thu hút ĐTNN.

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tác động tích cực đến quan hệ đầu tư giữa 2 nước. Nhìn lại thời gian qua, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng. Hoa Kỳ hiện đầu tư ra nước ngoài khoảng 200 tỷ USD, nhiều năm 300 tỷ USD, nhưng đầu tư vào Việt Nam những năm qua trung bình mỗi năm chưa đến 1 tỷ USD. Với việc nâng cấp quan hệ đối tác, kỳ vọng dòng vốn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hai bên xác định là trọng tâm hợp tác như đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và AI.

Bước tiến tốt trong thu hút đầu tư của Hoa Kỳ sẽ là cú hích để các nghị viện còn lại của các nước châu Âu thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Nếu được thông qua, đầu tư có chất lượng từ EU vào Việt Nam kỳ vọng sẽ cao hơn rất nhiều vì được bảo hộ theo điều khoản của Hiệp định, Việt Nam cũng có những luật chơi minh bạch để thu hút luồng vốn chất lượng từ EU.

Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, theo quan sát của tôi, đang có thay đổi. Trước đây chủ yếu là hoạt động thương mại, ít đầu tư và có đầu tư thì thường là công nghệ trung bình, có cả công nghệ thấp, nhưng hiện Trung Quốc có tín hiệu đầu tư vào Việt Nam ở những mảng công nghệ tốt hơn.

Cũng phải kể đến việc Việt Nam tham gia áp thuế tối thiểu toàn cầu tuy tạo áp lực trước mắt trong việc giữ chân NĐT lớn và thu hút thêm NĐT mới thuộc đối tượng chịu tác động, nhưng về lâu dài là cú hích đẩy nhanh cải thiện môi trường đầu tư, nguồn nhân lực, hạ tầng, logistics, thủ tục hành chính… thay cho công cụ thuế. Và đây mới là những lợi thế bền vững cho Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Việt Nam sẽ phải làm gì để nắm được cơ hội, thu được lợi ích kép từ ĐTNN?

Việt Nam đang có thời cơ rất tốt, nếu bỏ lỡ thì rất đáng tiếc. NĐT nước ngoài sẽ không chờ Việt Nam có đầy đủ điều kiện rồi đầu tư, mà họ có nhiều lựa chọn, nhất là khi có nhiều quốc gia cạnh tranh với Việt Nam và đều thay đổi mạnh mẽ để đón cơ hội. Chẳng hạn, Ấn Độ cạnh tranh về bán dẫn vì có nguồn đất hiếm đứng thứ 5 thế giới, Indonesia có nguồn nhân lực tốt…

Chính phủ Việt Nam đã và đang cho thấy quyết tâm, nỗ lực hành động để nắm bắt cơ hội thu hút NĐT. Tôi cho rằng, có một số việc phải tập trung thực hiện nhanh để hấp thu được vốn, nâng hiệu quả, giá trị gia tăng trong nước, đạt được lợi ích kép.

Đầu tiên là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn với mục tiêu 2025 - 2030 đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Các ngành liên quan phải nhanh chóng triển khai, đặc biệt trong giáo dục đại học, để hiện thực hóa mục tiêu này.

Song song với đó, cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu của sản phẩm công nghệ, từ đó thu được giá trị gia tăng nhiều hơn. Hơn nữa, phải nâng tầm DN Việt Nam để có thể bắt tay bình đẳng với NĐT nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ trước nay thường nghĩ là DN nhỏ và vừa làm, nhưng tôi cho rằng, nếu cứ như thế thì mãi mãi ở tầm thấp. Muốn thay đổi phải có DN lớn, DN mạnh, DN đầu đàn làm công nghiệp hỗ trợ để có thể sánh ngang công nghệ của nước ngoài.

Tiếp theo, rất quan trọng là phải xây dựng được thị trường công nghệ. Các nhà phát minh, sáng chế phải được thụ hưởng thành quả phù hợp với phát minh của mình. Chính phủ cần có cơ chế chính sách tạo cho họ đời sống cao, môi trường làm việc tốt để tiếp tục cống hiến.

Về nguồn lực, kế hoạch đầu tư công các năm tới cần bố trí nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), lấy đầu tư công là vốn mồi, dẫn dắt DN đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, không những khuyến khích các trung tâm R&D của NĐT nước ngoài mà Nhà nước cũng đầu tư xây dựng nhiều trung tâm R&D nội địa để hỗ trợ cho khu vực DN. Rất mừng là Việt Nam đã có vườn ươm công nghệ và mới đây đã khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)…

Nguồn lực khác có thể xem xét sử dụng là phần thu thêm thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phải xác định nguồn này trước đây không có, bây giờ có thì phải sử dụng đúng mục đích hỗ trợ trực tiếp NĐT nước ngoài về đào tạo nhân lực, hạ tầng… và hỗ trợ nâng cao chất lượng DN Việt, hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, không dùng số tiền đó làm việc khác. Ví dụ, có thể dùng một phần nguồn tiền này xây dựng một trung tâm R&D của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn... Suy cho cùng, nếu nâng cao chất lượng DN hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư thì NĐT nước ngoài sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Và cuối cùng, tôi cho rằng, quyết tâm của Chính phủ rất cao, đưa ra nhiều giải pháp chính sách để nắm bắt cơ hội, vấn đề còn lại là thực thi sao cho hiệu quả nhất. Phân cấp cao rồi thì địa phương phải có chương trình hành động rất cụ thể. Hệ thống cán bộ thực thi công vụ từ Trung ương đến địa phương cần nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức, làm sao để tạo thuận lợi nhất cho NĐT khi tìm hiểu, triển khai dự án, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về phía DN, cần có sự chủ động để theo kịp các xu hướng mới. Trong đó, tháng 7/2023, Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027. Đây là chìa khóa của phát triển bền vững, là vấn đề mà NĐT nước ngoài rất quan tâm. DN Việt Nam cần nâng cao ý thức thực hành kinh doanh có trách nhiệm, chủ động áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) để có thể bắt kịp yêu cầu, xu hướng mới của các thị trường xuất khẩu và NĐT nước ngoài.

Ông nhận định như thế nào về thu hút ĐTNN trong năm nay và thời gian tới?

“Quả bóng đang trong chân” chúng ta và nếu năm 2024 trở đi làm được những việc trên, chắc chắn thu hút ĐTNN sẽ tăng về cả chất và lượng.

Từ những kết quả thu hút đầu tư tích cực năm 2023, tôi hy vọng đây có thể là “chân sóng” trong một “đợt sóng” ĐTNN mới vào Việt Nam. Nếu vẫn giữ quyết tâm, xu thế như bây giờ, năm 2024 có thể sẽ là một năm bước ngoặt, trước hết về thu hút vốn và vốn ở những phân khúc công nghệ cao hơn. Những nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững.

Chuyên đề