Cơ hội đón sóng dịch chuyển đầu tư vào công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nối tiếp đà phục hồi của nền kinh tế, 7 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp nước ta tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp.
Nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Tiến Tân
Nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Tiến Tân

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%), đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tiếp tục là đầu kéo tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,4%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm...

Số lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp tại thời điểm 1/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng 6 và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2021.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, IIP 7 tháng năm 2022 tăng ở 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (2 địa phương giảm là Trà Vinh và Hà Tĩnh). Trong đó, Lai Châu, một tỉnh nghèo bất ngờ vươn lên đứng đầu về tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm nay.

Cơ quan thống kê tỉnh Lai Châu ghi nhận, IPP của Tỉnh 7 tháng năm 2022 tăng 54,35% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh do ngành sản xuất truyền tải và phân phối điện tăng 56,27%. Nguyên nhân là do thời tiết từ đầu năm đến nay có mưa sớm, mưa nhiều, các trận mưa to kéo dài làm cho lượng nước ở các hồ thủy điện dâng cao và được điều tiết ổn định; cùng với có thêm 3 nhà máy thuỷ điện mới hoàn thành đã đi vào hoạt động nên sản lượng điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhìn nhận về cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đại diện các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, thời gian gần đây, nhiều nước có xu hướng chuyển dịch đầu tư để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường truyền thống. Trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp khu vực này đang có sự chuyển dịch đầu tư.

“Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nước có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore và Hàn Quốc). Hiện nay, có 31 doanh nghiệp lớn cùng 3 quỹ đầu tư lớn của của Đan Mạch đã đăng ký tham gia chuyến công du tìm hiểu thị trường Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch”, bà Thúy cho biết.

Cũng chung nhận định này, đại diện thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Australia… cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2022 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, dù vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng lần lượt là 59,3% (đạt 7,24 tỷ USD) và 25,4% (đạt 2,58 tỷ USD). Trong đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Việc dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới.

Chuyên đề