Việc đầu tư lưới điện truyền tải chưa đồng bộ với phát triển nguồn điện gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Thế Anh |
Chính sách bộc lộ bất cập
Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa đáp ứng yêu cầu của quy hoạch. Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, lưới điện truyền tải được xây dựng với khối lượng khá lớn nhưng chỉ đạt từ 70% tới 90% tùy vào vùng miền, loại công trình và cấp điện áp so với yêu cầu quy hoạch của giai đoạn 2016 - 2020.
Để đảm bảo đầu tư lưới điện truyền tải đồng bộ với nguồn điện, một số nhà đầu tư đã được Chính phủ cho phép đầu tư lưới điện truyền tải và bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư trạm biến áp (TBA) 500 kV và đường dây 500 kV; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư TBA 500 kV Thuận Nam và lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia... Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về bàn giao tài sản sau khi đầu tư nên có những vướng mắc về cách hạch toán chi phí, xác định vốn đầu tư.
Áp lực thu xếp vốn đầu tư lưới điện truyền tải rất lớn kết hợp với một số nguyên nhân khác dẫn đến việc đầu tư lưới điện chưa đạt kế hoạch, quy hoạch. Một vài khu vực chưa đáp ứng nhu cầu phụ tải, chưa đồng bộ với phát triển nguồn điện gây lãng phí nguồn lực. Minh chứng là hàng loạt dự án điện tái tạo tại miền Trung đã hoàn thành nhưng thiếu lưới truyền tải khiến nhà đầu tư “khóc dở, mếu dở”.
Bộ Công Thương đề xuất hoàn thiện quy định về độc quyền trong hoạt động truyền tải điện theo hướng tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện và quy định “Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện”.
Nguyên nhân của vướng mắc này được Bộ Công Thương chỉ ra là do bất cập trong chính sách “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” được quy định tại Luật Điện lực. Do chưa có quy định Nhà nước độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong truyền tải điện nên dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc.
Trong khi đó, theo Dự thảo Đề án Quy hoạch VIII giai đoạn tới năm 2045 đang được Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn tới, nhu cầu vốn cho đầu tư lưới điện rất lớn. Nếu những vướng mắc này không được giải quyết sẽ dẫn đến khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Lợi ích nhiều chiều
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo hướng hoàn thiện quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị với việc quy định rõ ràng về độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.
Cụ thể, sẽ hoàn thiện quy định về độc quyền trong hoạt động truyền tải điện theo hướng tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện và quy định “Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện”. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.
Bộ Công Thương đánh giá phương án này sẽ có tác động lớn về mặt kinh tế. Đối với Nhà nước, việc thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước tham gia đầu tư các dự án lưới điện truyền tải sẽ giúp giảm áp lực về thu xếp vốn đối với ngân sách nhà nước; đảm bảo thực hiện các dự án điện lực theo quy hoạch, cung cấp điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, sẽ có cơ hội tham gia đầu tư, thu lợi từ công trình lưới điện.
Với DN hoạt động điện lực, sẽ giảm bớt áp lực đầu tư lưới điện truyền tải. DN sản xuất điện được đảm bảo đấu nối nguồn điện, các nguồn điện sản xuất được phát lên hệ thống điện quốc gia, thực hiện được mục tiêu đầu tư công trình điện… Đối với người dân, phương án sửa đổi không phát sinh thêm chi phí.