Cơ hội cho nhà thầu Việt tham gia tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thảm họa động đất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN), công cuộc tái thiết sẽ khiến nhu cầu hàng hóa tăng vọt và đây có thể là cơ hội để các nhà thầu cung ứng của Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu (XK), tham gia tái thiết cùng các quốc gia này.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu nên có cơ hội lớn đưa hàng hóa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu nên có cơ hội lớn đưa hàng hóa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Lê Tiên

Thổ Nhĩ Kỳ: Nhu cầu xây mới 199.739 ngôi nhà

Liên đoàn DN và Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ - cộng đồng kinh doanh đại diện cho hơn 50.000 DN ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa có báo cáo về mức thiệt hại do động đất tại quốc gia này có thể lên tới 84 tỷ USD, trong đó có 70,8 tỷ USD cho việc xây dựng lại nhà cửa, 10,4 tỷ USD là thiệt hại đối với nguồn thu quốc gia và 2,9 tỷ USD do ảnh hưởng đến ngày làm việc của người lao động.

Theo thông tin công bố, công tác tái thiết sẽ bắt đầu với việc xây mới 199.739 ngôi nhà, trong đó có hơn 130.000 ngôi nhà tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VietGo - DN hoạt động trong lĩnh vực logistics nhìn nhận, nhu cầu về hàng hóa phục vụ quá trình tái thiết các quốc gia này sẽ tăng.

Dẫn lại câu chuyện trong quá khứ, ông Việt cho biết, cách đây hơn chục năm, thảm họa sóng thần xảy ra tại Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề. Sau thảm họa khoảng 3 tháng, các loại vật liệu xây dựng như: gỗ dán, gỗ ghép thanh… đã lên “cơn sốt” do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để tái thiết đất nước.

“Khi Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria tiến hành tái thiết, chắc chắn nhu cầu các loại hàng hóa phục vụ cho quá trình này sẽ tăng. Đây có thể là cơ hội cho các nhà cung cấp Việt Nam tham gia vào quá trình tái thiết”, ông Việt nhận định.

Phân tích về cơ hội cho DN Việt Nam cung ứng hàng hóa vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện VietGo chỉ ra, Việt Nam đang ở khu vực được xem là “cái nôi” sản xuất hàng hóa cung ứng cho toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam lại là 1 trong 3 quốc gia ở châu Á (cùng với Singapore và Hàn Quốc) có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu nên cơ hội đưa hàng hóa vào Thổ Nhĩ Kỳ khá lớn.

“Singapore gần như không sản xuất hàng hóa; Hàn Quốc khai thác một phân khúc thị trường khác (điện thoại, máy móc…); Việt Nam có thế mạnh về dệt may, gỗ dán, gỗ ghép thanh, xi măng, sắt thép, gạch ốp lát, đồ nội thất... là những mặt hàng rất cần cho nhu cầu tái thiết đất nước. Bàn về câu chuyện chất lượng và giá cả, hàng hóa Việt Nam hiện rất cạnh tranh”, ông Việt phân tích và cho rằng, đây là một trong những cách để DN Việt Nam “gỡ rối” trong bối cảnh các ngành sản xuất đang gặp khó khăn hiện nay.

Cũng chỉ ra cơ hội cho các nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam XK sang các thị trường cần tái thiết, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư khá tốt cho ngành VLXD. Việt Nam đã XK một số VLXD, trong đó có xi măng, gạch ốp lát… “Vì thế, khi thị trường bạn có nhu cầu thì đây rõ ràng là cơ hội để DN Việt Nam khai thác trong bối cảnh thị trường trong nước đang gặp khó khăn”, ông Nga nói.

Theo Bộ Công Thương, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường tiềm năng, cửa ngõ quan trọng vào khu vực Trung Đông, là nơi trung chuyển vào thị trường EU đối với nhiều mặt hàng XK của Việt Nam như: gạo, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, đồ gỗ, cao su, chè, sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử… Tuy nhiên, tỷ trọng hàng XK của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của nước này còn thấp (khoảng 0,5%).

Đại diện bộ phận kinh doanh Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch cho rằng, ngành VLXD đang có nguồn cung tương đối lớn. Trong bối cảnh thị trường trong nước khó tiêu thụ, DN buộc phải tìm kiếm giải pháp để bù đắp. Do đó, khi các quốc gia bị ảnh hưởng bởi động đất có nhu cầu tái thiết hạ tầng, đây là cơ hội để XK hàng hóa Việt Nam vào các thị trường này.

Cơ hội cho các bên

Nhận định cơ hội cho các nhà cung ứng hàng hóa Việt Nam bước sang Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn, song Chủ tịch Hội VLXD cho rằng, việc khai thác cơ hội này không dễ. Một lý do là thách thức về khoảng cách địa lý bởi vẫn còn những khó khăn về luồng tuyến cũng như chi phí vận tải.

“Nếu kết hợp tốt giữa đơn vị cung cấp hàng hóa với đơn vị vận tải để khi XK hàng hóa lại tìm kiếm được các loại hàng hóa, vật tư, thiết bị mà Việt Nam chưa có trở thành hàng hai chiều, chắc chắn chúng ta có thể khai thác thành công các thị trường”, ông Nga gợi ý.

Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn xuất nhập khẩu, ông Việt cho rằng, trong bối cảnh thị trường trong nước trầm lắng, dòng tiền khó khăn, DN bán hàng quốc tế sẽ có những lợi thế nhất định với việc được thanh toán ngay, bán hàng với số lượng lớn và đơn giá hấp dẫn. Để không bỏ lỡ cơ hội này, DN cần phải nắm bắt cơ hội với việc xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để có thể khai thác.

Đại diện bộ phận kinh doanh của VICEM Hoàng Thạch cho hay, Hoàng Thạch đang làm việc các nhà phân phối để tìm đường đưa xi măng vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mở rộng thị trường XK của DN.

Trong một chia sẻ mới đây, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thương vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng các DN Việt Nam trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ cũng khuyến nghị các DN Việt Nam nên chủ động tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành tại Thổ Nhĩ Kỳ để có thể tìm kiếm các đối tác mới, tiềm năng.

Chuyên đề