Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT tạo cơ sở pháp lý để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi theo cơ chế liên thông. Ảnh: Lê Tiên |
Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN cho nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 vừa diễn ra, ông Trần Anh Đức, đồng Trưởng Nhóm Đầu tư và Thương mại của VBF nêu thực tế, nhà đầu tư đang phải trải qua nhiều thủ tục, tốn kém thời gian và chi phí, khi đầu tư vào các dự án tại Việt Nam. Điển hình, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh phân phối tại Việt Nam bắt buộc phải có 3 loại giấy phép, đó là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKDT), giấy chứng nhận đăng ký DN (GCNĐKDN) và giấy phép kinh doanh (GPKD).
So sánh với quy trình cấp phép kinh doanh tại Singapore, ông Đức cho biết, quy trình cấp phép kinh doanh tại Singapore rất đơn giản, trong khi quy trình này tại Việt Nam lại khá phức tạp. Cụ thể, quy trình đăng ký kinh doanh tại Singapore chỉ diễn ra trong thời gian từ 2 - 3 ngày. Trong khi đó, tại Việt Nam, quy trình này đòi hỏi nhà đầu tư phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu (gần 20 tài liệu với 3 bước nộp hồ sơ). Việc này gây tốn nhiều thời gian và chi phí cho DN.
Để tạo thuận lợi cho DN, Nhóm công tác của VBF đưa ra 3 kiến nghị. Cụ thể, nên gộp số lượng các bước xin chấp thuận và cấp phép đăng ký kinh doanh; đơn giản hóa thông tin trong GCNĐKĐT; và cho phép nộp hồ sơ theo hình thức điện tử đối với tất cả những giấy phép cần thiết.
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư và DN, năm 2016, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó thực hiện cắt giảm 24 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tại thông tư này, cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư với cơ quan đăng ký DN trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN cho nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được quy định rõ.
Thực hiện cơ chế liên thông
Về Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT vừa chính thức có hiệu lực ngày 15/6/2017, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đây là Thông tư quan trọng góp phần đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch và hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thông tư này tạo cơ sở pháp lý để cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi theo cơ chế liên thông.
Thông tư số 02 gồm 12 điều và 4 phụ lục. Theo quy định tại Thông tư, có 3 trường hợp thực hiện cơ chế liên thông. Thứ nhất là, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Thứ hai là, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Thứ ba là, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký DN và nội dung dự án đầu tư.
Đặc biệt, Thông tư quy định rõ trình tự thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo cơ chế liên thông.
Theo Luật sư Lương Ngọc Quang, với cơ chế mới này, nếu nhà đầu tư muốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn, thời gian chờ kết quả cũng sẽ được rút ngắn bởi 2 thủ tục sẽ được thực hiện đồng thời với cơ chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.
Liên quan đến những quan ngại về một số quy định “không thực tế”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ trao đổi cụ thể từng vấn đề mà Nhóm công tác của VBF phản ánh. Trường hợp cần thiết, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện rà soát, xem xét và kiến nghị sửa đổi chính sách để phù hợp với yêu cầu thực tế.