Cơ chế đặc thù giúp TP.HCM khơi thông nhiều cửa ngõ

(BĐT) - TP.HCM đang có sự khởi động nhanh nhạy với cơ chế thí điểm trong đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Với kỳ vọng thu hút hơn 100.000 tỷ đồng từ kênh vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông, nhiều dự án vướng mắc thời gian qua đang được Thành phố tháo gỡ, kêu gọi đầu tư.
Nhiều dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT đã được TP.HCM công bố Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT đã được TP.HCM công bố Ảnh: Lê Tiên

Theo lịch làm việc của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hàng loạt cuộc họp quan trọng liên quan đến các dự án trọng điểm của Thành phố đã và sẽ được tiến hành. Trong đó, một số cuộc họp liên quan đến các dự án BOT hiện hữu, một số là các dự án chuẩn bị đầu tư.

Cụ thể, TP.HCM đang tham gia góp ý vào báo cáo đầu kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương. Dự án có quy mô 9.700 tỷ đồng, dự kiến sẽ được thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2023; lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư trong năm 2024; khởi công trong năm 2025 và tổ chức thi công, hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2027, góp phần khắc phục tình trạng quá tải cho cửa ngõ phía Tây TP.HCM kết nối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự án này triển khai đồng thời với Dự án Mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm) với tổng mức đầu tư dự kiến 2.351 tỷ đồng, áp dụng cơ chế đặc thù sẽ là động lực tăng trưởng rất lớn cho Thành phố thời gian tới.

Theo cơ chế tại Nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu. Bên cạnh đó, Thành phố có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm) cho nhà đầu tư (trước đây là thanh toán bằng đất).

Hai dự án BOT kéo dài với nhiều vướng mắc cũng đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM họp bàn phương án xử lý dứt điểm. Đó là phương án tài chính Hợp đồng BOT Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc và đàm phán phụ lục hợp đồng BOT Dự án Xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý là dự án phải dừng hợp đồng BOT với nhà đầu tư do Kiểm toán Nhà nước khuyến cáo việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ - Tân Quý để thu phí trên Quốc lộ 1 không thích hợp. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Phan Công Bằng, TP.HCM có rất nhiều cửa ngõ, huyết mạch giao thông đang bị “thắt cổ chai” do vướng mắc về cơ chế, khiến dự án dở dang và nhà đầu tư hoang mang. Đơn cử như Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (chiều dài tuyến 5 km) được phê duyệt chủ trương đầu tư đã nhiều năm, nhưng khi nhà đầu tư bày tỏ quan tâm Dự án thì Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 yêu cầu dừng hợp đồng BOT đối với những tuyến đường hiện hữu; hợp đồng BOT chỉ áp dụng với công trình mới. “Dự án “đứng hình” 6 năm nay do Thành phố chưa thể sắp xếp được nguồn kinh phí gần 10.000 tỷ đồng cho dự án này. Do đó, Thành phố hy vọng sắp tới, dự án này sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực”, ông Bằng cho biết.

Theo cơ chế tại Nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu. Bên cạnh đó, Thành phố có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm) cho nhà đầu tư (trước đây là thanh toán bằng đất). Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ được thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính sẽ tạo nguồn quỹ đất dọc theo các dự án giao thông. Mô hình này sẽ áp dụng toàn diện cho mạng lưới metro mà Thành phố đang triển khai.

Đồng thời, Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép TP.HCM thực hiện thanh toán bằng vốn ngân sách (trả chậm). Qua đó, Thành phố sẽ chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với khả năng thu ngân sách theo từng thời kỳ và tình hình thu chi ngân sách hàng năm.

Hiện danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT đã được TP.HCM công bố gồm: Dự án Xây dựng cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng; Dự án Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (2.812 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.124 tỷ đồng; Dự án Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sỹ (3.196 tỷ đồng); Dự án Mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm) với tổng mức đầu tư dự kiến 2.351 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3 (13.837 tỷ đồng); Dự án Mở rộng trục đường Bắc - Nam (54.204 tỷ đồng); Dự án Xây dựng đường động lực (đường song song Quốc lộ 50) với tổng mức đầu tư dự kiến 3.816 tỷ đồng…

Chuyên đề