Nghị định quy định Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội; hoạt động điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm và các liên kết vùng.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội; tổ chức các hoạt động điều tra, khai quật, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng, phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; tư vấn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong phạm vi chức năng được giao theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Cơ cấu tổ chức
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 42 đơn vị chức năng gồm: 1- Ban Tổ chức - Cán bộ; 2- Ban Kế hoạch - Tài chính; 3- Ban Quản lý Khoa học; 4- Ban Hợp tác quốc tế; 5- Văn phòng; 6- Viện Triết học; 7- Viện Nhà nước và Pháp luật; 8- Viện Kinh tế Việt Nam; 9- Viện Xã hội học; 10- Viện Nghiên cứu Văn hoá; 11- Viện Nghiên cứu Con người; 12- Viện Tâm lý học; 13- Viện Sử học; 14- Viện Văn học; 15- Viện Ngôn ngữ học; 16- Viện Nghiên cứu Hán - Nôm; 17- Viện Dân tộc học; 18- Viện Khảo cổ học; 19- Viện Nghiên cứu Tôn giáo; 20- Viện Nghiên cứu Kinh thành; 21- Viện Địa lý nhân văn; 22- Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; 23- Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; 24- Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; 25- Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; 26- Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; 27- Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; 28- Viện Nghiên cứu Trung Quốc; 29- Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; 30- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; 31- Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; 32- Viện Nghiên cứu Châu Âu; 33- Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; 34- Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; 35- Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; 36- Viện Thông tin Khoa học xã hội; 37- Trung tâm Phân tích và Dự báo; 38- Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin; 39- Học viện Khoa học xã hội; 40- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; 41- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; 42- Nhà xuất bản Khoa học xã hội.