Có cát, cao tốc trục ngang miền Tây rục rịch tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần một năm khởi công và chờ đợi, nguồn cát đắp nền từ các mỏ được giao theo cơ chế đặc thù bắt đầu về công trường. Hai dự án xây dựng đường bộ cao tốc trục ngang miền Tây Nam Bộ là Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rục rịch tăng tốc thi công, giải ngân bù tiến độ.
Nhà thầu bơm cát nền đường chính cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: Ngọc Tuấn
Nhà thầu bơm cát nền đường chính cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tại Đồng Tháp, từ giữa tháng 5/2024, nguồn cát đắp nền từ mỏ thuộc xã Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh) và các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), xã Thường Lạc, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (TP. Hồng Ngự) đã được tập kết phục vụ thi công Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Trong 20 ngày kể từ khi nguồn cát được khơi thông, DATP 1 đã tiếp nhận khoảng 13.625 m3.

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (Cchủ đầu tư) cho biết, DATP 1 có 1 gói thầu xây lắp giá trị 2.805 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO đảm nhiệm. Ngay khi cát về tới công trình, các nhà thầu tập trung thi công tại những điểm trọng yếu cần nhiều thời gian gia tải nhằm bù tiến độ. Để đẩy nhanh tiến độ, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN đã huy động gấp đôi nguồn lực với 120 nhân sự, 33 máy móc, thiết bị, đồng thời tăng ca, kíp thi công. Tuy vậy, do khối lượng cát cung ứng còn chưa đủ, nên nhà thầu mới đạt 21% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch.

Ông Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An cho biết đã bố trí 150 nhân sự, 35 máy móc, thiết bị tập trung thi công 8 cây cầu. Dự kiến cuối tháng 12/2024 cơ bản hoàn thành hạng mục cầu. Hiện Công ty Thiên An đạt 38% khối lượng hợp đồng, tiến độ thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhà thầu đã hoàn thành công tác đào nền đường, đồng thời bố trí sẵn hai mũi bơm để khi cát về công trường sẽ tổ chức bơm nền đường chính.

Báo cáo mới nhất của Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Đồng Tháp cho thấy, tổng khối lượng thi công của Liên danh đạt khoảng 655,6 tỷ đồng, tương đương 25,8% giá trị hợp đồng. DATP 1 đến nay giải ngân được 648,7 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch. Trong đó, giá trị giải ngân xây lắp là 639,7 tỷ đồng, đạt 74,2% kế hoạch. “Khâu cung ứng cát được cải thiện, tiến độ thi công sẽ tăng tốc trong các tháng tới đây. Tuy vậy, DATP1 cần thêm lượng cát lớn mới đáp ứng được nhu cầu thi công. Theo tính toán, lượng cát phục vụ thi công DATP 1 còn thiếu hụt khoảng 0,38 triệu m3”, ông Trường cho biết.

Tại Sóc Trăng, DATP 4 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 cũng có tiến triển mới trong nỗ lực cung ứng cát đắp nền. Theo đó, ngày 30/5, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có bản xác nhận khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (thành viên Liên danh đảm nhiệm thi công Gói thầu số 11 có giá trị hơn 2.290 tỷ đồng) tại mỏ cát ký hiệu MS05 trên sông Hậu, đoạn thuộc các xã An Thạnh 1, An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung). Nhà thầu đang khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ, tập kết phương tiện, thiết bị để bắt tay vào khai thác cát phục vụ thi công. Dự kiến, giữa tháng 6/2024, nguồn cát đắp khai thác từ mỏ sẽ về đến chân công trình. Hiện tại, khối lượng thi công Gói thầu số 11 đạt khoảng 85 tỷ đồng, tương đương 3,7% giá trị hợp đồng. Ở các gói thầu còn lại, nhà thầu cũng đang gấp rút hoàn tất thủ tục để đưa các mỏ cát vào khai thác. Đơn cử, Công ty CP Hải Đăng khai thác mỏ MS11, Tổng công ty Xây dựng số 1 khai thác mỏ MS03 và MS14…

Ghi nhận từ các chủ đầu tư DATP 1 (tỉnh An Giang), DATP 3 (tỉnh Hậu Giang) thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho thấy, tiến độ thi công có dấu hiệu cải thiện khi vấn đề cát đắp nền dần được tháo gỡ. Đơn cử, ở DATP 1, với mỏ cát được giao theo cơ chế đặc thù cùng 673.466 m3 cát các doanh nghiệp khai thác đã bán cho nhà thầu, tiến độ thi công 4 gói thầu xây lắp đang bảo đảm tiến độ. Theo Sở Giao thông vận tải Hậu Giang, DATP 3 được tỉnh An Giang giao mỏ cát trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, đáp ứng 45% khối lượng nhu cầu; công suất khai thác tối đa 3.750 m3/ngày, đáp ứng khoảng 37,5 % nhu cầu. Hiện DATP 3 đạt tổng giá trị thực hiện 520 tỷ đồng, tương ứng 8,26 % giá trị hợp đồng, chậm 44% so với kế hoạch, nhưng sẽ tăng tốc thi công khi đủ nguồn cát.

Chuyên đề