Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố dự báo tăng trưởng GDP quý II/2016 đạt 6,17%.
Trong kịch bản này có sự lạc quan đáng kể của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có tới 53,3% đánh giá xu hướng quý II/2016 sẽ tốt lên, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ doanh nghiệp nhìn nhận điều này khi so với quý IV/2015. Nếu tính cả số doanh nghiệp nhìn nhận tình hình ổn định tỷ lệ lên tới trên 88%.
Số doanh nghiệp khó khăn chỉ còn khoảng 11,2% so với 25,1%.
Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM, chuyên gia thực hiện nghiên cứu phân tích rằng, đánh giá cụ thể của doanh nghiệp chế biến, chế tạo về khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn hàng xuất khẩu, chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm, tồn kho sản phẩm và sử dụng lao động đều cho thấy sự lạc quan.
Đặc biệt, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) cũng được dự báo tăng 15% so với quý I, nhằm đón đầu cơ hội khi có thêm thông tin tích cực về việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng như Việt Nam – EU FTA, TPP…).
Ngoài ra, khoản đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ được bổ sung lần lượt 60.000 tỷ đồng và 17.000 tỷ đồng cũng được dự báo sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư từ nhà nước.
“Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là mức tăng trưởng GDP không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng. Vì nếu vẫn coi trọng tăng trưởng thì các giải pháp sẽ lại tập trung vào ngắn hạn”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khuyến nghị.
CIEM đã đưa ra tới 30 đầu kiến nghị về tiếp tục đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vi mô trong quý II/2016. Trong đó, 3 kiến nghị hàng đầu là ban hành một Nghị quyết mới, tiếp nối tinh thần Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với một lộ trình cho 3-5 năm tới. Nghị quyết này cần có tính toàn diện, với cơ chế đánh giá và phân định trách nhiệm rõ ràng, khả thi; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; rà soát và xây dựng lộ trình giảm dần các đối xử mang tính phân biệt, khác biệt (chẳng hạn như tiếp cận đất đai, tín dụng, mua sắm Chính phủ...) có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.
Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, quý II/2016 (Đơn vị: %)
Tăng trưởng GDP (so với cùng kỳ 2015) |
6,17 |
Lạm phát (so với cuối quý I/2016) |
0,73 |
Tăng trưởng xuất khẩu (so với cùng kỳ 2014) |
8,02 |
Cán cân thương mại (tỷ USD) |
-0,42 |
Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)