Chuyện nhà binh làm kinh tế

(BĐT) - Lực lượng quân đội là lực lượng đông đảo, trẻ, khoẻ, có trình độ học vấn, chuyên môn, có kỉ luật nghiêm minh. Quân đội có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với các lĩnh vực và ngành nghề của nền kinh tế. Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chuyện nhà binh làm kinh tế

Tổng công ty 36: Mục tiêu trở thành nhà thầu đa năng

Được dẫn dắt bởi một người đứng đầu có tư duy quản trị rắn như “thép”, cùng hơn 500 thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ thi công các công trình xây dựng trị giá trên 700 tỷ đồng, Tổng công ty 36 (TCT36) hiện được đánh giá là nhà thầu mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực.

TCT36 đã trúng thầu và thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa chính trị với giá trị kinh tế lớn như: Trụ sở Văn phòng Chính phủ; Trung tâm Sản xuất chương trình Đài Truyền hình Việt Nam; Trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; Trụ sở Tổng cục Thuế; Dự án Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II... Các công trình này khi hoàn thành đều được đánh giá bảo đảm chất lượng, mỹ thuật; hoàn thành đúng thời gian quy định.

Theo đánh giá từ nhiều chủ đầu tư, năng lực thiết bị hiện đại đã giúp TCT36 thực hiện được những dự án, gói thầu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian thi công ngắn.Bám sát phương châm “Đầu tư liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, mở rộng thị phần, giành thương hiệu mới”, Đại tá, Tổng giám đốc TCT36 Nguyễn Đăng Giáp đã cùng các đồng sự đề ra các nguyên tắc làm việc mà sau này là các bài học lớn cho TCT.

Theo lãnh đạo TCT, muốn trở thành một nhà thầu đa năng, có tính chuyên nghiệp cao, thương hiệu mạnh, TCT phải đột phá đi trước, đón đầu trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại. Từ đó, tạo cú hích đưa năng lực sản xuất lên tầm cao mới, đáp ứng thi công các công trình lớn, mang tầm cỡ quốc gia. Bên cạnh đó, phải thường xuyên bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực với phương châm: “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người tài không sợ che khuất mình; chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tìm giải pháp công nghệ mới.

Ngân hàng Quân đội: Quyết tâm xây dựng con người hội nhập

Chuyện nhà binh làm kinh tế ảnh 1

Với việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hiện đã vươn lên vị trí dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Bước sang chu kỳ kinh tế mới 2016 - 2020, Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB khẳng định, Ngân hàng sẽ vững bước trong hội nhập từ chính năng lực cốt lõi và mục tiêu chiến lược của mình.

MB đặt ra nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt nhất chính là xây dựng con người phù hợp phương thức kinh doanh trong tình hình mới. Trong nhiệm vụ xây dựng đội ngũ, điểm thuận lợi của MB và cũng là điểm khác biệt riêng có của MB là ở “cái gốc” quân đội. Sinh ra từ quân đội, nhiều cổ đông lớn góp vốn là các doanh nghiệp quân đội, người MB có giá trị cốt lõi là tính kỷ luật, tận tâm, đoàn kết, hiệu quả. Chính “cái gốc” từ con người này đã giúp Ngân hàng vững vàng tiến bước, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế.

Năm 2016, MB thực hiện kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản tăng 7-10%; nợ xấu dưới 2% và phấn đấu không cao hơn năm 2015 (1,62%); lợi nhuận tăng 12-15% so với năm 2015. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy các công ty con hoạt động hiệu quả hơn.

Năm 2016, MB có thêm cổ đông lớn là SCIC với cam kết góp vốn ổn định trong 5 năm. Trong mối quan hệ hợp tác với SCIC, MB sẽ cùng khai thác hệ thống hiện có, nhằm tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp và cho khách hàng. SCIC cùng với các đối tác chiến lược hiện có như Viettel, Vietcombank và các doanh nghiệp quân đội khác sẽ giúp MB tiếp tục xây dựng và hoàn thiện năng lực cốt lõi, để vững tin bước trên con đường hội nhập.

Viettel và bí quyết “chuyển hóa sức mạnh”

Chuyện nhà binh làm kinh tế ảnh 2

Năm 2015, lần đầu tiên Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phải đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực sau nhiều năm gặt hái thành công tại thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, dù khó khăn, thách thức, Viettel vẫn luôn biến thách thức thành động lực để tìm ra những cách làm mới, khác biệt, hiệu quả. Vì thế, năm 2015 dù được xem là một năm khó khăn chung của nền kinh tế nhưng theo đánh giá khách quan, những kết quả mà Viettel đạt được trong bối cảnh chung đó là đáng tự hào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện của Viettel cho biết, nếu nói về bí quyết chuyển hóa “sức mạnh quân đội” sang sức mạnh kinh doanh thì có lẽ đó là vì Viettel luôn chọn việc khó để làm và có những cá nhân sẵn sàng dấn thân vì tổ chức. Đầu những năm 2000, Viettel là một doanh nghiệp quân đội chưa có tên tuổi, lương của các cán bộ, nhân viên làm việc tại doanh nghiệp còn rất thấp. Chính vì vậy, khi tuyển lao động vào làm việc, Viettel không có được những người xuất sắc nhất. Tuy nhiên, với cách đào tạo nhân lực của Ban lãnh đạo Viettel là thường xuyên giao việc nhiều và khó hơn cho những người được tuyển dụng khi họ vào làm việc tại doanh nghiệp so với khi họ làm ở các công ty khác cùng vị trí, thì chỉ sau 2-3 năm, Viettel đã có một đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đây cũng là lý do khiến mỗi cán bộ, nhân viên của Viettel đều ý thức được rằng, nếu muốn làm việc tại doanh nghiệp họ phải luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên.

“Sự thay đổi đến chóng mặt của công nghệ, những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ, khó khăn của nền kinh tế… nhắc chúng tôi rằng, sự thịnh vượng ngày hôm nay vốn không đến từ thuận lợi của ngày hôm qua. Thành công của Viettel trong tương lai phụ thuộc vào ước mơ và khát vọng, quyết tâm và nỗ lực của thế hệ ngày hôm nay”, lãnh đạo của Viettel chia sẻ về thông điệp phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới.

Chuyên đề