Từ trái sang gồm nhà tư sản Hòa Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945 |
Còn gì vinh dự hơn khi ngày đầu năm mới được nhận quà của cụ - nữ doanh nhân yêu nước nổi tiếng nhất Hà Thành xưa. Và ý tưởng tìm hiểu để viết về tấm gương “khởi nghiệp” của doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ bất chợt đến trong tôi…
Từ bỏ giàu sang, “khởi nghiệp” ở chiến khu
Lâu nay, câu chuyện về cặp vợ chồng doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng tại nhà riêng (số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội) - nơi Hồ Chủ tịch viết bản Tuyên ngôn Độc lập, không còn là mới và đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí khai thác. Chuyện gia đình cụ bà Minh Hồ và hơn 5.000 lạng vàng mà gia đình đã ủng hộ Chính phủ cũng nhiều lần được nhắc tới trong các dịp lễ, tết, các sự kiện lớn của dân tộc. Tuy nhiên, chuyện “khởi nghiệp” của riêng nữ doanh nhân nổi tiếng này thì hẳn không nhiều người biết.
Theo anh Trịnh Kiến Quốc, người con trai thứ tư đang ở cùng và trực tiếp chăm sóc cụ bà Minh Hồ, gia đình bố anh, cụ Trịnh Văn Bô vốn nổi tiếng giàu có ở đất Kinh kỳ với thương hiệu vải Phúc Lợi. Cụ bà Minh Hồ sinh ra và lớn lên ở số 21 phố Hàng Đào, trong một gia đình có học thức và truyền thống buôn bán, cụ thân sinh của bà là nhà giáo Hoàng Đạo Phương, thành viên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chú ruột là nhà giáo, nhà trí thức Hoàng Đạo Thúy - thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Đây là mối lương duyên do sự mai mối của hai dòng họ danh giá đất Kinh kỳ và rất “môn đăng, hộ đối”.
Thừa hưởng cốt cách nho nhã của cha và sự tháo vát, đảm đang của mẹ, cụ bà Minh Hồ đã chọn kế tục truyền thống kinh doanh của nhà chồng. “Gia đình chúng tôi bên nội tứ đại đều do nữ cầm trịch hết, mẹ tôi là đời thứ tư phụ nữ đảm trách nhiệm vụ kinh doanh” - anh Quốc chia sẻ.
Bởi vậy, về làm dâu nhà họ Trịnh, dù còn rất trẻ nhưng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ đã “đứng mũi, chịu sào”, thay chồng chèo lái việc kinh doanh của gia đình trước sự chèn ép của các thương gia Pháp và thương nhân người Hoa. Tới đầu những năm 1940, Phúc Lợi đã trở thành một thương hiệu uy tín và có quy mô lớn nhất Hà Nội trong lĩnh vực kinh doanh vải sợi. Tuy nhiên, do thừa kế cửa hiệu và gia sản của gia đình nên với hai cụ, đây là sự “kế nghiệp” xuất sắc chứ không thể gọi là chặng đường “khởi nghiệp”.
“Thực sự, 9 năm tản cư theo kháng chiến đánh dấu cuộc “khởi nghiệp” của mẹ tôi. Có thể coi đây là lần “khởi nghiệp” đúng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thử thách và điều anh em chúng tôi luôn khâm phục ở cụ là tinh thần bền bỉ, vươn lên, không đầu hàng hoàn cảnh, luôn tìm hướng để mở mang kinh doanh chính đáng”, anh Trịnh Kiến Quốc trầm ngâm.
Sau khi tự nguyện cống hiến 90% gia sản của gia đình cho Cách mạng, tháng 12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cả nhà tản cư ra vùng tự do, toàn bộ tài sản là biệt thự, cửa hiệu, nhà máy… đều để lại vùng địch tạm chiếm. Cụ ông Trịnh Văn Bô là đại biểu Quốc hội khóa I, là Ủy viên Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội, suốt ngày bận bịu việc công. Một mình cụ bà Minh Hồ phải cáng đáng chăm nuôi mẹ chồng già yếu và 5 con thơ.
“Gia đình tôi tản cư lên Tuyên Quang, rồi Thái Nguyên… số tiền còn lại vơi dần. Như nhiều gia đình khác, chúng tôi đối mặt với cảnh thiếu thốn, khổ sở trăm bề nơi chiến khu. Tôi lúc đó còn nhỏ nhưng đã cảm nhận rõ những khó khăn và gánh nặng của mẹ. Sau này cụ kể, đã có những gia đình bỏ về Thành vì cuộc sống quá gian khổ, nhưng điều đó chưa bao giờ thoảng qua trong đầu cụ. Phải làm gì để nuôi mẹ, chăm lo đàn con thơ cho chồng yên tâm công tác? Vậy là với chút vốn còn lại, mẹ tôi quyết định buôn bán nông sản. Bà lặn lội đi bộ vào các vùng đồng bào dân tộc, mua chè búp, măng tươi rồi sao tẩm, sấy khô, bán lại cho thương nhân miền xuôi… Ban đầu bà phải tự mình gồng gánh, nhiều hôm phải ăn cơm vắt, có lần chạy giặc càn, phải nhịn đói, ngủ chuồng trâu. Dần dà, mùa nào thức nấy, bà mở rộng kinh doanh ra một số địa phương vùng Việt Bắc, lên cả Bắc Cạn, Cao Bằng. Cứ tần tảo, lần hồi, cụ không chỉ lo cho anh em tôi cuộc sống đầy đủ mà còn tích lũy được kha khá vốn liếng để khi kháng chiến thắng lợi khôi phục một số cơ sở sản xuất của gia đình và sau này tiếp tục hiến cho Nhà nước…”, anh Quốc xúc động nhớ lại.
Và nỗi niềm ai tỏ…
Tháng 7/2013, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh doanh nhân Trịnh Văn Bô, tôi được Bộ Tài chính cử đến gặp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và gia đình để chuẩn bị cho việc tổ chức tọa đàm khoa học cũng như xuất bản cuốn sách: “Gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô và những đóng góp cho nền tài chính Cách mạng Việt Nam” (NXB Tài chính, tháng 10/2013). Lần đầu tiên đến căn biệt thự cổ số 34 Hoàng Diệu, điều khiến chúng tôi bất ngờ là thái độ rất dè dặt với khách của các thành viên trong gia đình. Tiếp chuyện chúng tôi qua tấm cổng sắt cũ kỹ, anh Trịnh Kiến Quốc nhìn những vị khách lạ đầy cảnh giác, xem đi xem lại tờ công văn của cơ quan rồi hẹn gia đình và mẹ anh sẽ tiếp chúng tôi vào một dịp khác. Phải đến lần điện thoại thứ ba, khi tôi trình bày kỹ lưỡng về hội thảo cũng như xuất bản sách, việc làm xuất phát từ tâm nguyện của thế hệ hậu sinh tri ân những bậc tiền bối, gia đình mới dành cho những người khách mới sự đón tiếp thân mật.
Đã có không ít đoàn đại diện cho các bộ, ngành, cơ quan ghé thăm với bao lời hứa hẹn sẽ tổ chức hội thảo đánh giá đầy đủ những đóng góp đặc biệt của một gia đình tư sản yêu nước nhưng rồi lại chìm vào quên lãng. Đã có cả những nhà làm sách đến đặt vấn đề tôn vinh rất hoa mỹ nhưng rồi sau đó lại vận động gia đình bỏ tiền mua vài chục cuốn sách “ủng hộ” khiến niềm tin của những con người vốn đã chịu nhiều thăng trầm bị rạn vỡ, phôi phai...
Một mùa xuân mới lại về. Nữ doanh nhân tiêu biểu cho vẻ đẹp của phụ nữ Hà Thành thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước, giờ là bà lão tóc trắng như cước, da đã nhăn nheo nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp phúc hậu, bình thản ngồi gấp những gói trà sen đãi khách và hướng dẫn con dâu làm những món ăn truyền thống của Hà Nội xưa. Trải qua bao nhiêu những mất còn, tao loạn, mùa xuân này doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ bước vào tuổi 103 (bà sinh năm 1914), sức khỏe tuy đã suy giảm nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn. Và triết lý kinh doanh: “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức, như thế mới lâu bền” vẫn rất thời sự với các thế hệ doanh nhân Việt hôm nay. Càng đáng trân trọng hơn là tinh thần xả thân vì độc lập dân tộc, tinh thần “khởi nghiệp” trong bất kỳ hoàn cảnh nào, rất đáng để mỗi người chúng ta noi theo, học tập.