Tỉnh Quảng Ngãi đã lập kế hoạch cụ thể triển khai Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Duy Sinh |
Quy hoạch hội tụ tiềm năng, lợi thế
Quảng Ngãi được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển, trong đó Khu kinh tế gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí - luyện kim và trung tâm logistics lớn.
Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô tổng sản phẩm (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, gấp 2 lần năm 2010.
Theo đánh giá của chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; được xây dựng với triết lý, quan điểm “đa sắc - hiệp đồng - khác biệt”; với tầm nhìn chiến lược, không gian lãnh thổ đảm bảo kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Ngãi tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.
Dù vậy, một số chuyên gia khác nhìn nhận, Quy hoạch còn có những hạn chế, điểm nghẽn và những thách thức đặt ra trong phát triển như: tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững, chất lượng cao; tác động của biến đổi khí hậu vẫn là thách thức đối với phát triển bền vững kinh tế và đời sống nhân dân…
Để khắc phục những nhược điểm này, tại Lễ công bố Quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị Tỉnh phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, hài hòa với những bước đi vững chắc, từng bước lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hình thành hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ; quan tâm phát triển nông thôn hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế về giá trị văn hóa, di sản đặc sắc, về biển đảo, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng.
Kích hoạt sự năng động và sáng tạo
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, thời gian qua, Quảng Ngãi luôn trăn trở, tìm kiếm con đường phát triển, nhận diện những điểm nghẽn, lối mòn trong tư duy để thay đổi cách nghĩ, cách làm từ trong hệ thống ra ngoài xã hội. Vượt qua sự khác biệt, Quảng Ngãi đã hun đúc những cái mới, cổ vũ, tạo dựng nhiều giá trị mới, không ngừng tìm tòi, kích hoạt sự năng động và khả năng sáng tạo của mọi giai tầng xã hội. Sau khi công bố Quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Quy hoạch Tỉnh.
Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại...
“Việc hoàn thiện và công bố Quy hoạch Tỉnh chỉ là kết quả bước đầu. Thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả của Quy hoạch là Tỉnh phải giàu mạnh, văn minh; người dân phải được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tổ chức thực hiện Quy hoạch phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Để thực hiện tốt nội dung Quy hoạch Tỉnh, đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng phát triển Quảng Ngãi trở thành hiện thực, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong Tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.
Về tiến độ thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng khẩn trương tham mưu với UBND Tỉnh xây dựng Kế hoạch và trình cấp thẩm quyền ban hành. Kế hoạch bao gồm các nội dung chính: tổ chức thực hiện Quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch, rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
Bên cạnh đó, Tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, rà soát nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được quyết định hoặc phê duyệt và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định.
“Hiện nay, Tỉnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu 1/2000 còn lại trong Khu kinh tế Dung Quất để làm cơ sở kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi. Tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và ban hành Đề án Phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ”, ông Trần Hoàng Tuấn thông tin thêm.