Chuyên gia đề xuất giải pháp cải thiện nước hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
Trước hiện tượng nước hồ Tây chuyển màu đậm và có dấu hiệu ô nhiễm, chuyên gia môi trường đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nước hồ, chống ô nhiễm và tạo sự sống cho các loài sinh vật.

Cần có giải pháp từ "gốc" đến "ngọn"

Gần đây, nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm, mùi tanh, hôi thối bốc lên khi đến gần khiến nhiều người dân trong khu vực không khỏi lo lắng về sự sống, không khí cũng như môi trường sống của các sinh vật trong hồ.

Cá chết, rác thải sinh hoạt đầy rẫy dưới lòng hồ

Cá chết, rác thải sinh hoạt đầy rẫy dưới lòng hồ

Theo ông Nguyễn Khắc Kính - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần đưa ra giải pháp cụ thể cải thiện sự ô nhiễm của nước hồ Tây.

“Phải xem nguyên nhân là do con người hay do thiên nhiên. Nếu chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm trước mắt, hồ Tây sớm muộn cũng giống dòng sông Tô Lịch. Tìm ra nguyên nhân cụ thể để đưa ra giải pháp lâu dài. Cứ xử lý trước mắt mà không tìm ra được thủ phạm thì không giải quyết triệt để được”, ông Kính nhấn mạnh.

Nước hồ Tây ngày 3/4

Nước hồ Tây ngày 3/4

Theo vị chuyên gia môi trường, có nhiều cách thức xử lý nước hồ thông qua phương pháp cơ học, hóa lý học, sinh học. Trong đó, có thể sử dụng hệ vi sinh vật và sử dụng hệ động thực vật đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong xử lý môi trường nước, đặc biệt là nước ô nhiễm chất hữu cơ. Sử dụng hệ sinh vật để phân hủy hoặc hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ, vô cơ trong môi trường sống.

Ngoài ra, có thể sử dụng thực vật thủy sinh như: bèo tây, bèo cái, rau muống, cải xoong... vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Phương pháp sử dụng hệ động thực vật tham gia loại bỏ các chất hữu cơ, các chất lơ lửng, nitơ, phốt pho, các kim loại nặng, các tác nhân gây bệnh trong hệ sinh thái thông qua chuỗi thức ăn.

Hồ Tây là nơi rất đông người dân đến hít thở không khí và tập thể dục

Hồ Tây là nơi rất đông người dân đến hít thở không khí và tập thể dục

Người dân mong muốn hồ Tây sớm được cải thiện ô nhiễm

Bà Nguyễn Thị Lan là người dân sinh sống ở khu vực này lâu năm. Mỗi sáng sớm, bà thường ra hồ để tập thể dục và hít thở không khí. Thế nhưng, dạo gần đây, bà nhận thấy, nước hồ chuyển màu đậm hơn. Không chỉ thế, rác và xác cá chết trôi nổi vào gần bờ khiến mùi tanh hôi không ngửi được.

“Chúng tôi rất mong hồ được nạo vét thật sạch và sâu xuống lòng hồ. Người còn không ngửi được thì cá sống dưới đó làm sao được”, bà Lan nói.

Không khó để thấy rác thải trôi nổi ven hồ như thế này

Không khó để thấy rác thải trôi nổi ven hồ như thế này

Ngày nào cũng ra hồ để câu cá, ông Hoàng Văn Quang (Tây Hồ) cho hay, trước kia có những ngày, ông câu được cá nặng đến vài kg. Dạo gần đây không có nữa, chỉ có những con cá nhỏ. Ông còn câu phải rác và cũng không dám lội xuống hồ bởi sợ ngứa và bẩn.

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết quả phân tích nước hồ Tây. Qua đó, nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép cho thấy dấu hiệu ô nhiễm.

Nhiều người dân không dám đến gần mặt hồ vì mùi hôi tanh bốc lên khó chịu

Nhiều người dân không dám đến gần mặt hồ vì mùi hôi tanh bốc lên khó chịu

Cụ thể, nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao (tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Aphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena…).

Đủ các loại rác thải, thậm chí cả bát hương la liệt dưới lòng hồ

Đủ các loại rác thải, thậm chí cả bát hương la liệt dưới lòng hồ

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị TP. Hà Nội thực hiện ngay các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước tại hồ Tây, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ. Tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chuyên đề