Chuyển dịch xanh: Bắt đầu từ chính sách đúng, trúng và kịp thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là nguồn lực. Tại Hội thảo “Chuyển dịch xanh - cơ hội cho người dẫn đầu” diễn ra ngày 27/6, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tạo lập hành lang pháp lý với cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt là cần cam kết từ tất cả các cấp.
Còn nhiều thách thức trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Nhã Chi
Còn nhiều thách thức trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Nhã Chi

Thách thức nguồn lực

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, không phải bây giờ Việt Nam mới bắt đầu “cuộc chơi” hướng tới Net Zero mà đã có sự chuẩn bị lộ trình từ rất lâu. Nhiều năm trước, Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2011 - 2020 và nay tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với các cam kết của Việt Nam.

“Mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050 được thể hiện chi tiết tại 18 nhóm chủ đề, 57 nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể tại Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, hiện thực hóa mục tiêu là chặng đường dài có nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng.

Dẫn số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử các-bon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường rất nhỏ bé so với nhu cầu.

Thách thức là vậy, tuy nhiên, các cơ quan quản lý cho rằng, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới TTX. Hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường (BVMT), thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách. Một là, các chính sách nhằm hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa gây tác hại đến môi trường… Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với chi đầu tư, ngân sách cho TTX đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Cùng với nguồn lực công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng hơn

Để giải quyết các thách thức, trong đó có thách thức về nguồn lực tài chính nhằm hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng Vụ Năng lượng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, cần có cam kết mạnh mẽ từ trên xuống dưới, tất cả các cấp, các ngành.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu chuyển dịch xanh. Chia sẻ hành động tại Vinamilk, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành nghiên cứu và phát triển Vinamilk cho hay, từ 10 năm trước, Vinamilk đã thực hiện chương trình 10 triệu cây xanh cho Việt Nam; đầu tư thiết bị hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng... Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ, Vietjet đã đầu tư đội tàu bay mới để giảm tiêu thụ năng lượng; thực hiện tiết kiệm giấy; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trên các chuyến bay...

“Các chính sách cần có tính dài hạn, ổn định, dễ dự báo, nhất quán và có thể thực hiện được. Ngoài ra, chính sách phải có tính bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy cạnh tranh cũng như đổi mới sáng tạo về tài chính và công nghệ mới, bởi trên thực tế có rất nhiều thách thức khó lường”, đại diện ADB gợi ý.

Ông Keiju Mitsuhashi cho biết, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII để tăng cường chuyển dịch sang năng lượng xanh. Mặc dù vậy, ngành năng lượng vẫn gặp nhiều thách thức trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng rẻ để thay thế trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng ngày càng gia tăng.

Công suất các nguồn năng lượng thay thế (năng lượng mặt trời, điện gió…) kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện tái tạo, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phân quyền quyết định và tăng cường trách nhiệm giải trình, phát triển các dự án khả thi vay vốn ngân hàng và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư... “Nếu môi trường đầu tư không thuận lợi thì sẽ khó có thể huy động được vốn đầu tư vào lĩnh vực này”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh sử dụng vốn từ trái phiếu xanh. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, Bộ đang chủ trì nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.

“Bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng hóa tiến độ tăng trưởng xanh. Nhờ đó, các dự án xanh có điều kiện tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới”, bà Ngọc cho biết.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành danh mục các dự án xanh để cấp tín dụng xanh. Việc ban hành danh mục với tiêu chí rõ ràng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.

Chuyên đề