Chuyển biến tích cực trong đấu thầu qua mạng

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong năm 2021, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo phương thức hợp tác công tư (PPP) dự kiến được đưa vào vận hành sẽ góp phần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch, hứa hẹn những bước tiến vượt bậc trong đấu thầu qua mạng (ĐTQM).

Từ 1/1 đến 20/11/2020, có hơn 83,9 nghìn gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị gói thầu đạt 256 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Từ 1/1 đến 20/11/2020, có hơn 83,9 nghìn gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị gói thầu đạt 256 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong năm 2020 vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho năm 2021 chính thức vận hành hệ thống mới.

Tính đến thời điểm này, kết quả triển khai ĐTQM theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ (NQ01) tại các bộ, ngành, địa phương ra sao, thưa ông?

Từ đầu năm, tại NQ01, chỉ tiêu thực hiện ĐTQM được đưa ra là: tỷ lệ về số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 60%; tỷ lệ về giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 25%.

Trong khi đó, tỷ lệ áp dụng ĐTQM tính đến ngày 20/11/2020 đạt 85,8% về số lượng gói thầu (83.903 gói thầu) và 52,9% về tổng giá trị gói thầu (256.012,2 tỷ đồng).

Ông Phạm Thy Hùng

Ông Phạm Thy Hùng

Như vậy, con số đạt được từ đầu năm đến nay đã vượt xa chỉ tiêu, cụ thể là vượt 25,8% về số lượng gói thầu; vượt 27,9% về giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM. Việc thực hiện của các đơn vị cũng vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả (TT11).

Nhìn lại quãng thời gian xa hơn, có thể thấy ĐTQM có những bước tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, năm 2016, Hệ thống ghi nhận hơn 3,3 nghìn gói thầu ĐTQM, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 - thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm. Tới giai đoạn 2016 - 2018, tổng số gói thầu ĐTQM tăng vượt bậc, đạt 30,5 nghìn gói, với tổng giá gói thầu là 61,8 nghìn tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57,2 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2019, số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM có bước nhảy vọt lên 39 nghìn gói thầu, gấp đôi năm 2018 và vượt qua kết quả của cả giai đoạn 2016 - 2018. Tổng giá gói thầu thực hiện ĐTQM trong năm 2019 là 120,3 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, ĐTQM được các nhà tài trợ đánh giá cao. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đã thực hiện thí điểm ĐTQM cho các gói đấu thầu rộng rãi trong nước.

Làm thế nào để đạt được những kết quả nổi bật đó, thưa ông?

Có hai nguyên nhân giúp ĐTQM đạt kết quả tích cực. Một là hệ thống công nghệ liên tục được nâng cấp. Hai là khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Thời gian qua, Hệ thống liên tục được cải tiến và triển khai nhiều tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống.

Cụ thể, Hệ thống mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp giao diện và chức năng tìm kiếm trên cổng thông tin, nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin trên thiết bị di động.

Riêng đối với nhà thầu, Hệ thống đã xây dựng các tiện ích cho phép kê khai cơ sở dữ liệu năng lực, kinh nghiệm khi tham gia ĐTQM; cập nhật/bổ sung chức năng chữ ký số nhà thầu liên danh trong ĐTQM.

Về khung pháp lý ĐTQM, thực tế đến nay đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt, các thông tin này được quản lý có tính hệ thống, liên kết với nhau bảo đảm bên mời thầu phải tuân thủ việc đăng tải đầy đủ thông tin về đấu thầu, đồng thời giúp cơ quan quản lý kịp thời phát hiện các chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình không công khai thông tin và giúp nhà thầu nắm bắt tốt hơn thông tin gói thầu.

Ông có thể cho biết những lợi ích thiết thực khi đẩy mạnh áp dụng ĐTQM?

Thông tin, văn bản điện tử được công khai miễn phí trên mạng và được công nhận giá trị pháp lý giúp tiết kiệm nhiều chi phí hành chính (in ấn, đi lại, lưu trữ hồ sơ...) cho cả chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.

ĐTQM còn là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Bởi lẽ, toàn bộ quy trình đấu thầu từ lúc phát hành thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu.

Hệ thống cũng tự động tính toán và kiểm tra tính hợp lệ của thông tin ngay khi nhà thầu tiến hành lập hồ sơ dự thầu trực tuyến trên mạng. Quy trình điện tử của Hệ thống đã tự động loại bỏ lỗi số học, sai lệch và các sai sót không đáng có cho nhà thầu. Cho đến thời điểm mở thầu, toàn bộ thông tin liên quan đến nhà thầu như số lượng, tên nhà thầu tham dự được giữ bí mật, bên mời thầu không biết nhà thầu nào tham dự, các nhà thầu cũng không biết “đối thủ” của mình là ai nên có thể hạn chế tối đa vấn nạn thông thầu, dàn xếp “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu.

Trong năm 2021, ĐTQM được định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

Có thể nói, Hệ thống văn bản pháp luật đối với ĐTQM đến nay cơ bản đã đầy đủ, chuẩn hóa, rõ ràng về quy trình thủ tục và lộ trình áp dụng.

Thời gian tới, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng. Những bước cải tiến lớn của Hệ thống trong năm 2020, cùng với việc đáp ứng và kết quả thực hiện ĐTQM của các bộ, ngành, địa phương vượt xa chỉ tiêu yêu cầu tại NQ01… đã tạo ra nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo phương thức PPP trong năm 2021.

Để đồng bộ với hệ thống mới, khung pháp lý sẽ được xây dựng, hoàn thiện cho phù hợp, đảm bảo tiệm cận thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, để việc thực hiện ĐTQM hiệu quả hơn nữa, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư cần đôn đốc triển khai ĐTQM theo đúng lộ trình quy định tại TT11.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai ĐTQM thuộc thẩm quyền quản lý; đặc biệt là giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham gia, kịp thời phát hiện, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư, bên mời thầu và các bên liên quan nếu phát hiện vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên đề