Ảnh minh họa: Internet |
Trong bối cảnh lạc quan gần đây rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu thay đổi chính sách, 71% nhà quản lý quỹ tài sản tham gia khảo sát của Bloomberg kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trong năm 2023, trong khi chỉ 19% đưa ra dự báo ngược lại.
Cuộc khảo sát được Bloomberg thực hiện đối với 134 nhà quản lý quỹ kết hợp quan điểm của các nhà đầu tư lớn bao gồm BlackRock, Goldman Sachs Asset Management và Amundi SA.
Khảo sát cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các chủ đề và rào cản mà các nhà đầu tư lớn dự kiến thị trường sẽ phải gặp phải vào năm 2023 sau khi lạm phát, xung đột Nga - Ukraine và chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã làm giảm lợi nhuận của cổ phiếu trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có thể bị "trật bánh" một lần nữa do lạm phát cao hoặc suy thoái sâu. Đó là những lo lắng hàng đầu cho năm sau. Cổ phiếu cũng có thể đạt mức thấp mới vào đầu năm 2023, trong đó nhiều người cho rằng mức tăng sẽ nghiêng về nửa cuối năm.
"Mặc dù có thể phải đối mặt với suy thoái kinh tế và lợi nhuận giảm, nhưng chúng tôi đã chiết khấu một phần của yếu tố này vào năm 2022. Chúng ta sẽ có tầm nhìn tốt hơn vào năm 2023 và điều này hy vọng sẽ giúp ích cho thị trường", Pia Haak, Giám đốc đầu tư của Swedbank Robur - nhà quản lý quỹ lớn nhất Thụy Điển cho biết.
Bloomberg đánh giá, ngay cả sau đợt phục hồi gần đây, chỉ số MSCI All-Country World Index (ACWI) đang trên đà có năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ số S&P 500 có thể sẽ kết thúc năm 2022 với hiệu suất kém tương tự.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại đã kìm hãm giá cổ phiếu ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế do Covid-19. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự suy thoái đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của cổ phiếu.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát tương tự dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với chứng khoán ở Mỹ trong năm 2022.
Hideyuki Ishiguro, chiến lược gia cấp cao tại Nomura Asset Management kỳ vọng, năm 2023 sẽ "hoàn toàn ngược lại với năm nay". Một phần là do định giá đã sụt giảm khiến chỉ số MSCI ACWI giao dịch gần với tỷ lệ P/E trung bình dài hạn trong 12 tháng tới.
Khi đề cập đến các nhóm ngành cụ thể, những người tham gia khảo sát đã lựa chọn các công ty có thể giữ vững lợi nhuận ngay cả khi suy thoái kinh tế. Các công ty trả cổ tức đều và lĩnh vực bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và các cổ phiếu ít biến động nằm trong số những lựa chọn của các nhà đầu tư lớn, trong khi một số ngân hàng và thị trường mới nổi được ưu tiên bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo cuộc khảo sát, sau khi bị ảnh hưởng trong năm nay do lãi suất tăng cao, cổ phiếu công nghệ Mỹ cũng có thể được ưa chuộng trở lại. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ mua cổ phiếu lĩnh vực này một cách có chọn lọc.
Các nhà quản lý quỹ cho biết, với mức định giá vẫn còn tương đối rẻ bất chấp đợt phục hồi gần đây và lợi suất trái phiếu dự kiến sẽ giảm vào năm tới, những "gã khổng lồ" công nghệ bao gồm Apple, Amazon và Alphabet dự kiến sẽ được hưởng lợi.
Một số nhà quản lý quỹ cũng đang lạc quan về Trung Quốc, đặc biệt là khi quốc gia này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Sự sụt giảm vào đầu năm nay đã khiến định giá của cổ phiếu Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình 20 năm, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu ở Mỹ hoặc châu Âu.
Evgenia Molotova, Giám đốc đầu tư cấp cao tại Pictet Asset Management cho biết sẽ mua vào cổ phiếu Trung Quốc "ở mức giá hiện tại", ưu tiên các ngành công nghiệp, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.
Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, cổ phiếu được dự đoán sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2023. Đối với các nhà quản lý quỹ, tin tức tốt hơn về lạm phát và tăng trưởng có thể là chất xúc tác cho thị trường hoạt động tốt hơn. Gần 70% số người được khảo sát cho biết, đó là những yếu tố tích cực tiềm năng chính.
Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro trong năm 2023
Theo Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến hiệu suất thấp nhất trong nhiều năm khi không tính đến cuộc khủng hoảng tài chính và thời kỳ Covid-19. Tháng trước, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, tình hình nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi nhanh chóng.
"Triển vọng từ đây trở đi sẽ bị ảnh hưởng bởi xác suất, độ sâu và thời gian suy thoái. Vẫn có những cơ hội mà các công ty có nền tảng cơ bản mạnh mẽ có khả năng vượt qua cơn bão bị bán tháo trong thời điểm thị trường hoảng loạn", Fabiana Fedeli, Giám đốc đầu tư về chứng khoán, đa tài sản tại M&G nhận xét.
Trong khi đó, Shoqat Bunglawala, người đứng đầu Bộ phận giải pháp đa tài sản khu vực EMEA và châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Asset Management nhận định, các tài sản rủi ro khó có thể phục hồi bền vững cho đến khi lạm phát có xu hướng giảm mạnh hơn hướng tới mục tiêu.