Sàn giao dịch chứng khoán NYSE ở New York ngày 3/8 - Ảnh: Reuters |
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/8) và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất trong 2 tuần nhờ loạt dữ liệu kinh tế khả quan, dự báo lợi nhuận tích của của doanh nghiệp niêm yết, và mối lo địa chính trị giảm bớt.
Trái lại, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất gần 6 tháng vì lượng tồn kho tăng mạnh và liên minh OPEC+ chỉ tăng nhẹ hạn ngạch sản lượng.
CHỨNG KHOÁN “XANH” KHẮP THẾ GIỚI
Cả ba chỉ số chính đo giá cổ phiếu ở Phố Wall đều chốt phiên trong trạng thái “xanh”, trong đó Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất trong 3 tháng và S&P 500 cao nhất 2 tháng. Dự báo khả quan mà PayPal và CVS Health Corp đưa ra đã giữ vai trò như một “liều thuốc tinh thần” quan trọng đối với nhà đầu tư trong phiên này.
Với mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt đẹp đang diễn ra, nhà đầu tư hy vọng thị trường có thể thực sự phục hồi và bước vào một đợt thị trường giá lên (bull market) mới, thay vì chỉ tăng trong xu hướng thị trường giá xuống (bear market rally). S&P 500 hiện tăng khoảng 15% so với mức thấp thiết lập hồi tháng 6.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 416,33 điểm, tương đương tăng 1,29%, đạt 32.812,5 điểm. S&P 500 tăng 1,56%, đạt 4.155,17 điểm, xoá hết phần mất mát của hai phiên đầu tuần. Nasdaq tăng 2,59%, đạt 12.668,16 điểm.
“Phiên tăng này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố nền tảng, là lợi nhuận của doanh nghiệp và các số liệu kinh tế”, Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của Wealthspire Advisors nhận định với hãng tin Reuters. “Chúng ta đã chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng tốt, những thông tin kinh tế mạnh mẽ, và một số quan chức Fed đưa ra tuyên bố mang tính trấn an rằng Fed có thể đưa lạm phát về tầm kiểm soát”.
Số liệu công bố ngày 3/8 cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ của Mỹ bất ngờ hồi phục sau 3 tháng suy giảm liên tiếp và số đơn đặt hàng mà các nhà máy ở nước này nhận được tăng mạnh ngoài dự báo. Những dữ liệu này được xem là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đủ khoẻ để chống chọi với chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), xoa dịu mối lo trước đó của nhà đầu tư về một cuộc suy thoái có thể sắp xảy đến.
Tại một sự kiện ở New York, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, tái khẳng định cam kết chống lạm phát của Fed, nói rằng ngân hàng trung ương này đủ cứng rắn cho tới khi tốc độ leo thang của giá cả giảm dần về mức mục tiêu của Fed là bình quân hàng năm 2%. Tuy nhiên, ông Bullard cũng bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”.
Trong một diễn biến khác thu hút sự chú ý của giới đầu tư, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã kết thúc chuyến thăm ngắn tới Đài Loan - chuyến thăm vấp phải sự chỉ trích mạnh của Trung Quốc. Trước đó, thị trường đã lo ngại căng thẳng leo thang vì chuyến thăm này của nhà chính trị Mỹ. Khi chuyến thăm khép lại, mối lo cũng giảm theo.
Sắc xanh cũng phủ khắp các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Âu trong phiên ngày 3/8, với các chỉ số phục hồi lại phần mất mát của những phiên gần đây. Loạt báo cáo tài chính khả quan của các công ty niêm yết giúp nhà đầu tư tạn quên đi những số liệu gây thất vọng về tình hình kinh tế khu vực Eurozone.
Chỉ số Stoxx 600 của toàn thị trường châu Âu tăng 0,51%; một thước đo khác của chứng khoán khu vực này là MSCI tăng hơn 1%.
Tăng cũng là xu thế của các thị trường mới nổi phiên này. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,27%, trong khi Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng 0,53%.
GIÁ DẦU CHẠM ĐÁY KỂ TỪ THÁNG 2
Xu hướng giảm của giá dầu được đẩy nhanh sau một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô và tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng. Trước đó cùng ngày, OPEC+ tuyên bố sẽ chỉ tăng sản lượng khai thác dầu thêm 100.000 thùng mỗi ngày.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước ngoài khối dẫn đầu là Nga.
Giá dầu WTI giao sau tại New York sụt 3,98%, chốt ở 90,66 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,47%, đóng cửa ở 96,78 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 21/2.
“Nếu tính từ đầu năm, giá dầu vẫn tăng 25%. Đợt sụt giảm này là kết quả của việc giá dầu đã tăng nhiều rồi, đồng thời cũng phản ánh mối lo kinh tế giảm tốc, thị trường đang cố gắng tìm điểm cân bằng”, ông Pursche nhận định.
Báo cáo hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu thô tăng 4,5 triệu thùng trong tuần trước, so với mức dự báo tăng 600.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tồn kho xăng tăng 200.000 thùng, trong khi dự báo là giảm 1,6 triệu thùng.
“Thường thì tồn kho xăng hiếm khi tăng trong mùa hè. Đây là một dữ liệu rất bất lợi cho giá dầu”, chuyên gia Bob Yawger của Mizuho nhận định.
Phần hạn ngạch sản lượng tăng thêm của OPEC+ trong cuộc họp này chỉ tương đương khoảng 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu. Mỹ đã đề nghị OPEC tăng mạnh sản lượng nhằm kéo giá dầu xuống, nhưng hạ tầng khai thác dầu lửa của nhiều nước thành viên trong khối này hiện không đáp ứng được.
Sản lượng khai thác thực của OPEC+ thời gian qua thậm chí còn không đạt hạt ngạch đề ra. Ngoài ra, Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, cũng không muốn tăng mạnh sản lượng vì giá dầu giảm sâu có thể gây ảnh hưởng bất lợi nhiều đến Nga, quốc gia đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Số liệu tốt về kinh tế Mỹ và phát biểu “chắc nịch” của Chủ tịch Fed Atlanta đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất trong 2 tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt hơn 2,7%. Thời gian qua, lợi suất giảm liên tục vì mối lo suy thoái.
“Quan điểm cứng rắn của Fed rằng việc nâng lãi suất sẽ duy trì đang đẩy lợi suất lên. Fed đang giữ vững chính sách mà họ đã vạch ra”, Giám đốc đầu tư Joseph Srok của NovaPoint nói với Reuters.