Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Sau nhiều giằng co mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư trong trạng thái giảm điểm. Sự tăng giá của các nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng và y tế không đủ để đưa sắc xanh trở lại với Phố Wall, bởi cổ phiếu Amazon và một loạt cổ phiếu công nghệ lớn khác tiếp tục sụt giá phiên này.
Hãng tin Reuters cho biết cả ba chỉ số chính đều giảm điểm khi chốt phiên, nối tiếp sự giảm điểm của ngày thứ Ba, dù thị trường đã có một phiên tăng điểm mạnh vào ngày thứ Hai. Sự giằng co này phản ánh xu hướng biến động mạnh của chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây.
"Các nhà đầu tư nên lường trước những gì sẽ xảy ra, xét tới mức độ biến động mà chúng ta đang chứng kiến, cũng như thực tế là chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu thông tin tác động đến thị trường vào thời điểm trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý", ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành Horizon Investment Services, nhận định. "Thị trường đang rất cần có sự dẫn dắt".
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,04%, còn 23.848,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29%, còn 2.065 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,85%, còn 6.949,23 điểm.
Giá cổ phiếu Amazon giảm tới 7,6% trong phiên này, gây thiệt hại hơn 53 tỷ USD về giá trị vốn hóa, sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump phát tín hiệu muốn có biện pháp hạn chế đối với hãng bán lẻ trực tuyến. Lúc đóng cửa, cổ phiếu Amazon giảm 4,4%.
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla sụt 7,7%, kéo dài xu hướng giảm giá thời gian gần đây, sau khi hãng bị hạ điểm tín nhiệm và có tin cơ quan chức năng đang điều tra một vụ đâm xe và cháy xe gây chết người ở California liên quan đến xe Tesla.
Trái với sự giảm giá của cổ phiếu công nghệ, các nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, viễn thông và y tế đồng loạt tăng điểm trong phiên này.
Cổ phiếu dầu lửa là nhóm mất giá mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu chính của S&P 500, với mức giảm 1,99% do giá dầu giảm sau khi thống kê cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp số liệu điều chỉnh của Bộ Thương mại nước này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 4/2017 tăng trưởng mạnh hơn thống kê công bố ban đầu. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,9% trong quý, so với mức tăng 2,5% công bố lần đầu, và là mức tăng trưởng hàng quý mạnh nhất trong 3 năm.
Các nhà đầu tư ít nhiều cảm thấy lo ngại, bởi các số liệu kinh tế khả quan có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong năm 2018.
Ở thời điểm hiện tại, nỗi lo xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không còn lớn như tuần trước. Giới đầu tư đang kỳ vọng hai nước có thể đàm phán lại về thuế quan và mất cân đối thương mại.
Trên sàn NYSE, tỷ lệ cổ phiếu tăng giá-giảm giá là 1,12-1. Trên sàn Nasdaq, có 1,22 cổ phiếu tăng giá thì có 1 cổ phiếu giảm giá phiên này.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 6,96 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 7,36 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.