Chứng khoán Mỹ, giá dầu, Bitcoin đồng loạt bùng nổ sau cuộc họp của Fed

0:00 / 0:00
0:00
Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 của cả S&P 500 và Dow Jones...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/5), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có động thái chính sách tiền tệ như dự báo và loại trừ khả năng đẩy mạnh thắt chặt hơn nữa. Giá dầu thô nhảy 5 USD/thùng vì Liên minh châu Âu (EU) tiến tới cấm vận dầu Nga. Giá Bitcoin cũng vượt mốc 40.000 USD sau nhiều ngày lình xình.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 932,27 điểm, tương đương tăng 2,81%, đạt 34.061,06 điểm. Chỉ số S&P5 00 tăng 2,99%, đạt 4.300,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,19%, đạt 12.964,86 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 của cả S&P 500 và Dow Jones.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed tuyên bố nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán từ tháng 6. Đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2000 của Fed, nhưng động thái này hoàn toàn nằm trong dự báo trước đó của nhà đầu tư.

Các chỉ số tiến sâu hơn vào “lãnh địa” của sắc xanh khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương này hiện chưa tính đến việc nâng lãi suất với bước nhảy rộng hơn trong các cuộc họp tiếp theo. “Mức tăng lãi suất 0,75% không phải là điều mà uỷ ban đang tích cực nghĩ đến. Tôi cho rằng kỳ vọng hiện nay là chúng ta sẽ bắt đầu thấy lạm phát dịu đi”, ông Powell phát biểu.

Tuyên bố này của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã xoa dịu mối lo trước đó trên thị trường rằng Fed sẽ thắt chặt quyết liệt hơn nữa để chống lạm phát – theo nhà sáng lập Kim Forrest của Bokeh Capital. “Việc loại trừ khả năng đó là một hành động sáng suốt, và là động lực cho sự phục hồi của thị trường”, ông nói.

Phiên phục hồi này diễn ra sau một tháng 4 khốc liệt ở Phố Wall, khi chỉ số Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) và S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market). Đầu tuần này, cả hai chỉ số cùng rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Những rủi ro của việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đặt ra đối với tăng trưởng kinh tế là một mối lo lớn của thị trường trong những tháng gần đây. Cuộc khảo sát CNBC Fed Survey trong tháng 5 cho thấy phần đông chuyên gia và nhà đầu tư dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ở cuối chu kỳ thắt chặt này.

Trao đổi với hãng tin CNBC, cựu Chủ tịch ngân hàng Golman Sachs, ông Gary Cohn, nhận định rằng trong cuộc họp báo vừa rồi, ông Powell “đã lái xe đúng đường”.

“Thị trường đang bắt đầu nói: ‘Vậy là chủ trương của Fed đã được phản ánh chuẩn xác vào giá tài sản’. Tôi nghĩ từ giờ trở đi sẽ không có nhiều sự bất ngờ. Sức nóng của thị trường đã được giải toả nhiều rồi… Giờ là lúc chúng ta có một số giá trị thực”, vị chuyên gia nói.

Sự tăng điểm của phiên ngày thứ Tư diễn ra trên diện rộng. Cổ phiếu công nghệ - nhóm bị bán tháo gần đây – là một trong những nhóm dẫn đầu sự đi lên của thị trường. Apple và Alphabet cùng tăng hơn 4%. Cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh nhờ giá dầu đi lên, như Chevron tăng 3,1% và Exxon Mobil tăng gần 4%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lại vượt ngưỡng 3% trong phiên này, lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018 thiết lập vào tuần trước, nhưng giảm về vùng 2,9% sau phát biểu của ông Powell. Lợi suất tăng mạnh do kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ thời gian gần đây.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 5,17 USD/thùng, tương đương tăng 4,9%, chốt ở 110,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 5,4 USD/thùng, tương đương tăng 5,3%, chốt ở 107,81 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh sau khi EU công bố kế hoạch cắt giảm dần, tiến tới dừng nhập khẩu dầu từ Nga. Động thái này của EU không nằm ngoài dự báo, nhưng một lần nữa làm dấy lên mối lo về sự thắt chặt nguồn cung, khi các quốc gia trong khối phải chạy đua tìm kiếm nguồn dầu thay thế cho số dầu bấy lâu nay vẫn mua từ Nga.

Hiện nay, châu Âu nhập khẩu từ Nga mỗi ngày khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu, đồng thời phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung khí đốt Nga.

“Lượng dầu tồn kho dầu trên toàn cầu đang rất thắt chặt. Trong bối cảnh như vậy lại có lệnh cấm thế này. Đang có rất nhiều câu hỏi về việc châu Âu làm thế nào để bù đắp cho thiếu hụt đó”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.

Trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, khối này đề xuất giảm dần để tiến tới cấm vận dầu Nga, đồng thời trừng phạt ngân hàng lớn nhất của Nga. Theo đó, EU sẽ cắt giảm nhập dầu từ Nga trong vòng 6 tháng và đến cuối năm nay sẽ bắt đầu cấm vận dầu Nga.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cam kết sẽ có các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của lệnh cấm vận này đối với các nền kinh tế châu Âu. Hungary và Slovakia vẫn được tiếp tục mua dầu Nga cho tới cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện có - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

Về phần mình, Nga có thể bù đắp cho sự mất mát khách hàng mua dầu ở châu Âu bằng cách bán thêm dầu cho các khác châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng hiện chưa rõ các nước này có mua hết được số dầu Nga dư ra hay không.

Liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga sẽ có cuộc họp sản lượng định kỳ vào ngày thứ Năm. Tuy nhiên, ít có khả năng khối này đẩy mạnh việc tăng sản lượng. Hiện tại OPEC+ vẫn duy trì tiến độ tăng sản lượng thêm hơn 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, nhưng trên thực tế, số dầu mà các nước OPEC+ khai thác vẫn chưa đạt hạn ngạch đề ra.

Diễn biến như một kênh đầu tư rủi ro, thị trường tiền ảo đi lên cùng với chứng khoán Mỹ sau cuộc họp của Fed. Giá Bitcoin có lúc tăng 6% trong phiên ngày thứ Tư, tái lập mốc 40.000 USD. Trước đó, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã giằng co dưới mốc chủ chốt này trong những ngày gần đây.

Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 39.611 USD, tăng hơn 4,8% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Chuyên đề