Chưa thể hồi phục, nhiều DN hạ mục tiêu kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được kỳ vọng tăng trưởng dương trong quý III/2023 nhưng theo số liệu của Fiingroup, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết giảm 1,7% so với quý III/2022, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp phi tài chính giảm 7,6%. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hơn dự kiến, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2023 dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm nhẹ trong quý III/2023, khối tài chính tăng trưởng lợi nhuận nhờ chứng khoán và bảo hiểm. Nguồn: Báo cáo của FiinGroup
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm nhẹ trong quý III/2023, khối tài chính tăng trưởng lợi nhuận nhờ chứng khoán và bảo hiểm. Nguồn: Báo cáo của FiinGroup

Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng vừa có Nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, HĐQT Công ty trình cổ đông thông qua điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu xuống gần 399 tỷ đồng, giảm 16% so với kế hoạch cũ (477 tỷ đồng); lãi trước thuế giảm tới 95% còn 0,5 tỷ đồng, mức thấp nhất 11 năm trở lại đây (kể từ năm 2013). Mức cổ tức cũng được điều chỉnh giảm từ 8% còn 2%.

Theo lý giải của Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng, nguồn hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm nhiều, tàu phải nằm chờ dài ngày ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty. Hoạt động của đội tàu ven biển không đạt hiệu quả, nguồn hàng khai thác hoạt động vận tải biển thiếu hụt do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo trì trong 55 ngày.

Được kỳ vọng hưởng lợi từ lĩnh vực đầu tư công, nhưng Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex phải điều chỉnh mục tiêu doanh thu giảm 5,7% so với kế hoạch đầu năm xuống còn 8.396 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn 112 tỷ đồng.

Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và dự báo thị trường các tháng cuối năm không được như kỳ vọng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã điều chỉnh giảm 39% lợi nhuận hợp nhất năm 2023 so với mục tiêu ban đầu, chỉ còn 370 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất cũng được điều chỉnh từ mức 17.500 tỷ đồng xuống còn 16.500 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thép, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã thông qua điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ từ mức 52 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng sau khi thua lỗ 198,72 tỷ đồng 9 tháng đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam, Tổng công ty CP Y tế Danameco, Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta… cũng giảm mục tiêu kinh doanh năm 2023. Đơn cử, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm (tương ứng giảm 1.030 tỷ đồng), về 4.870 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm (tương ứng giảm 100 tỷ đồng), còn 300 tỷ đồng.

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính của Fiingroup cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng vì kỳ vọng trước đó là tăng trưởng dương trở lại khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu tiêu dùng hồi phục và các vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dịu bớt. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Với khối phi tài chính, sự hồi phục chậm của cầu trong nước cũng như thị trường xuất khẩu là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III/2023 của ngành tiêu dùng như bán lẻ, hay các ngành phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế như hóa chất, thủy sản, may mặc tiếp tục suy giảm. Ngược lại, lĩnh vực công nghệ thông tin, dầu khí, tài nguyên cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ và hồi phục tích cực. “Bối cảnh vĩ mô hiện tại đã sáng hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2023, các ngành liên quan đến xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trở lại trong năm 2024”, bà Vân nhận định.

Chuyên đề