Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nỗ lực phấn đấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quý 1 năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt được tuy thấp hơn kế hoạch nhưng cũng khá tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới. Thách thức tăng trưởng các quý tới rất lớn, nhưng báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2023, nỗ lực phấn đấu tối đa. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, để đạt được mục tiêu, trong bối cảnh yếu tố bên ngoài chưa thuận lợi, cần thêm giải pháp hỗ trợ DN, phát huy tối đa nội lực, nguồn lực đang tồn đọng…
Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng tới 30% GDP nhưng gần như không tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Tường Lâm
Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng tới 30% GDP nhưng gần như không tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Tường Lâm

Lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2023

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – đoàn ĐBQH Quảng Trị quan ngại triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay khó có thể đạt ngưỡng GDP tăng 6%.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích phía tổng cung, đơn cử như khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng tới 30% GDP nhưng gần như không tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP của cả năm 2023. Cụ thể hơn, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1%. Các ngành được coi là trụ cột của xuất khẩu đều suy giảm so cùng kỳ năm trước. Chỉ báo về sản lượng điện tiêu thụ giảm, cụ thể 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước, cho thấy bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp đang sa sút…

Quan sát phía tổng cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục giảm chưa có dấu hiệu hồi phục, trong đó nhập khẩu sụt giảm mạnh hơn xuất khẩu, tập trung vào khu vực doanh nghiệp FDI, khiến cán cân thương mại hàng hoá 4 tháng đầu năm thặng dư cao tới gần 7,6 tỷ USD nhưng lại báo hiệu chu kỳ sản xuất xuất khẩu tiếp theo là bi quan.

Vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt là 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ. Điểm lưu ý là chính sách “thuế tối thiểu toàn cầu” có hiệu lực từ đầu năm tới cùng một chính sách không chính thức đang hình thành là nhà đầu tư phân biệt đối xử các quốc gia “theo phe được xếp vào”, khiến loạt các ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả.

Về cấu phần chi tiêu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm nay rất lớn về số tuyệt đối, áp lực hoàn thành giải ngân vốn trong 7 tháng còn lại của năm 2023 sẽ rất nặng nề.

Chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang có xu hướng giảm tốc (cụ thể: tháng 4 chỉ tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trung bình của 3 tháng đầu năm là 15,5%), cũng phản ánh tiêu dùng trong nước chậm lại.

“Thực trạng tín dụng, thu chi ngân sách, thị trường chứng khoán phản ánh bức tranh rất chân thực, thuyết phục về sức khỏe đang yếu kém và bị bào mòn của nền kinh tế. Tổng cầu suy yếu cả cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, cầu ngoại thương”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ ra.

Thực trạng tín dụng, thu chi ngân sách, thị trường chứng khoán phản ánh bức tranh rất chân thực, thuyết phục về sức khỏe đang yếu kém và bị bào mòn của nền kinh tế

Thực trạng tín dụng, thu chi ngân sách, thị trường chứng khoán phản ánh bức tranh rất chân thực, thuyết phục về sức khỏe đang yếu kém và bị bào mòn của nền kinh tế

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá kỹ hơn về vấn đề tăng trưởng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, với kết quả quý 1 thì bình quân 3 quý còn lại phải đạt 7,5%. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn ảm đảm, đơn hàng giảm, động lực tăng trưởng lớn trong nước đều rất khó khăn, để đạt tăng trưởng cao như vậy trong 3 quý tới là thách thức rất lớn.

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng không có giải pháp quyết liệt thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm rất khó khăn.

Gỡ khó cho DN, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm lực trong nước

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, với khó khăn chung của cả thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài khi là 1 nền kinh tế có độ mở lớn. Trong nội tại khả năng chống chịu, ứng phó, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động còn hạn chế, không phải ngày một ngày hai khắc phục được ngay. Đồng thời, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm chậm giải quyết công việc.

Theo Bộ trưởng, quý 1 đạt tốc độ tăng trưởng tuy thấp hơn kế hoạch nhưng cũng khá tích cực so với khó khăn chung của thế giới. Thách thức các quý tới rất lớn, nhưng cũng không nên vội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mất đi động lực phấn đấu, cần nỗ lực hết sức, tìm và tranh thủ mọi cơ hội bù đắp.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:

Về giải ngân đầu tư công, tuy tỷ giải ngân thấp hơn cùng kỳ, nhưng giá trị tuyệt đối tăng nhiều. Nhiều dự án đầu tư mới, thủ tục phải hoànt hiện theo quy định, xong vấn đề này mới làm đến vấn đề khác, không làm song song các thủ tục được. Đến nay cơ bản đã xong hết thủ tục, tập trung từ nay đến cuối năm đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đầu tư công, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã có nhiều đoàn công tác, nhiều công điện. Giờ đã phân cấp hết rồi, các bộ, ngành, địa phương cần làm hết trách nhiêm và rất mong đại biểu Quốc hội giám sát, đôn đốc ngay tại địa phương mình cùng với Chính phủ.

Trong phiên thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các ĐBQH đã đề xuất nhiều giải pháp để nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng trong bối cảnh bên ngoài chưa chắc chắn, khó khăn, nội lực lại chưa được phát huy hết, còn nhiều nguồn lực, tiềm lực bên trong chưa phát huy tốt, ví dụ đầu tư công, chương trình nhà ở xã hội đã có nguồn lực để kích cầu 120 nghìn tỷ chưa giải ngân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, xung đột giữa các siêu cường gay gắt, cần quay lại khai thác tiềm năng nội lực để tăng sức chống chịu.

Theo Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực quan trọng để đạt mục tiêu, cần có giải pháp quản lý, tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, rà soát điều chuyển. Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư đấu thầu xong đất để đấy, lác đác vài nhà. Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí có hơn 800 công trình không đưa đất vào sử dụng, có giải pháp tháo gỡ. Khơi thông thị trường bất động sản tạo nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa một cách chủ động, thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2023 và giảm áp lực cho thu ngân sách nhà nước. Rà soát, đánh giá các khoản thu đối với xăng dầu và cân nhắc dư địa để điều chỉnh giảm các khoản thu này. Cân nhắc thêm khả năng không điều chỉnh thuế đối với xăng dầu mà thực hiện hỗ trợ tập trung cho các nhóm yếu thế chịu nhiều ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu. Nghiên cứu khả năng điều chỉnh mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho một số nhóm đối tượng phù hợp. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cấu phần đang triển khai chậm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai kịp thời và hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị cơ quan điều hành cần tăng cường khả năng dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản kèm theo hành động ứng phó. Bởi khi đã xây dựng được kịch bản thì sẽ có phương án thích ứng, không bị động, cùng những chính sách không đúng lúc; tương ứng với mỗi kịch bản sẽ có những chính sách phù hợp. Qua đó, giảm thiểu tối đa sự chậm trễ của chính sách, rút ​​ngắn thời gian từ thảo luận chính sách cho đến ban hành chính sách, tạo ra phản ứng nhanh với nền kinh tế.

Cũng liên quan đến xây dựng kịch bản tăng trưởng, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, dù chưa nói đến điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng chung cả năm, nhưng cần rà soát kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh giữa các khu vực, ví dụ công nghiệp giảm nhưng du lịch dịch vụ khởi sắc thì kịch bản quý 2 điều chỉnh tăng khu vực dịch vụ, quý 3 lại điều chỉnh từng khu vực phù hợp thực tế.

Đa số ĐBQH đề nghị có chính sách thiết thực, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giảm thuế, giảm lãi suất.

Chuyên đề