Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Đức Phạm |
Theo Thứ trưởng, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm mời gọi khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ trong việc hình thành và phát triển các kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua?
Hình thức PPP tại Việt Nam không phải là mới vì chúng ta đã có chủ trương về đầu tư theo hình thức này từ năm 1997. Chỉ có điều, trong thực tiễn, hình thức này chưa được triển khai một cách mạnh mẽ.
Gần đây, khi nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng lại tương đối lớn, cùng với sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn, chúng ta đã xây dựng và từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức đầu tư này.
Tổng kết báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, đã thu hút được gần 147 dự án đầu tư áp dụng hình thức PPP (hợp đồng BOT, BOO…), trừ loại hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư hơn 1,14 triệu tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD)… Các dự án PPP này tập trung vào lĩnh vực năng lượng, giao thông, kết cấu hạ tầng quy mô lớn. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ chúng ta trong công cuộc phát triển đất nước thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các dự án thực hiện theo hình thức PPP đã xuất hiện nhiều hạn chế trong việc thực thi. Cụ thể, về vấn đề pháp lý, hiện khung pháp lý cao nhất cho PPP mới giới hạn ở mức nghị định, trong quá trình triển khai lại liên quan nhiều đến các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Các tổ chức tín dụng…, nên chưa giải quyết, điều chỉnh được xung đột giữa quy định về PPP và các luật khác. Cùng với đó, các vấn đề bảo lãnh của Chính phủ, bảo lãnh lãi suất cho nhà đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ… cũng có những hạn chế.
Chính phủ có những định hướng, giải pháp nào để thu hút khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP?
Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước như sân bay (Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn). Kết cấu hạ tầng quan trọng này không chỉ bảo đảm giao thông đi lại mà còn liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia cũng đã được mở cho DN tư nhân xây dựng. Những dự án này bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực của đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc công khai, minh bạch tất cả các dự án để các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia. Chúng tôi cũng có khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương nên kêu gọi các nhà đầu tư vào những dự án PPP có tiềm năng cao, có điều kiện tốt trong việc tạo lợi nhuận, hoàn vốn cho nhà đầu tư. Không nên dành những dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tốt, thuận lợi để thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn vay ưu đãi, mà nên để dành cho thu hút đầu tư tư nhân theo hình thức PPP.
Do vậy, tôi khẳng định là đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong thời gian tới, trong đó có hình thức đầu tư PPP.
Việc thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân dường như đang thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ có những giải pháp như thế nào trong việc thu hút thêm nguồn lực này?
Sức hấp dẫn của các dự án PPP đối với các nhà đầu tư nước ngoài chưa cao do cơ chế về PPP còn vướng mắc liên quan đến bảo lãnh lãi vay, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ chưa đáp ứng được ngay các yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian tới, Chính phủ định hướng đặt trọng tâm nhiều hơn nữa trong việc mời gọi khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ trong việc hình thành và phát triển các kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước.
Chính phủ cũng đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận để bổ sung Luật PPP vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp tới.
Theo dự kiến, Luật PPP sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2020. Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi Luật PPP ra đời sẽ tạo khung khổ pháp lý vững chắc để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, cùng Chính phủ xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia như: đường bộ cao tốc, cảng biển quan trọng, sân bay…
Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm cùng với Chính phủ Việt Nam thực hiện các dự án PPP phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.