Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc tạo sự đồng thuận của xã hội với các quyết sách của Quốc hội |
Chú trọng quy trình lập pháp và tăng cường giám sát
Về nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để phát triển bền vững, phù hợp với nền kinh tế thị trường, tương thích với hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ tập trung nghiên cứu đổi mới quy trình lập pháp, chú trọng tới chất lượng và tính khả thi; đồng thời khắc phục luật khung, luật ống, tránh tình trạng các luật chồng chéo, giẫm đạp lên nhau, kiên quyết hủy bỏ những quy định không hiệu quả.
Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo bà Ngân, Quốc hội sẽ nâng cao hiệu quả giám sát, tập trung vào các vấn đề “nóng” mà cử tri và nhân dân bức xúc như đầu tư dự án/công trình trọng điểm, môi trường, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Quốc hội cần ban hành Nghị quyết giám sát để theo đến cùng, chứ không “đánh trống bỏ dùi”, giám sát việc thực hiện tất cả nội dung của Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), lời hứa của các thành viên Chính phủ. Mặt khác, chất vấn cũng là một hoạt động của giám sát, sẽ đổi mới hoạt động thảo luận tại Hội trường, trong đó, chú trọng nâng cao bản lĩnh của các ĐBQH, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.
Việc theo dõi, giám sát thực thi của Chính phủ, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện ngay từ khi làm luật, Quốc hội phải làm cho pháp luật phải công khai, minh bạch, rõ ràng ngăn ngừa lợi dụng sơ hở để tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng là lý do Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát lại các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.
Đối với vụ việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, Quốc hội vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội đang được giao giám sát độc lập để có cơ sở phản biện. Từ vụ việc Formosa, Quốc hội sẽ rà soát toàn bộ các dự án đầu tư, chính sách thu hút đầu tư trong việc tuân thủ pháp luật về môi trường.
Kiểm soát nợ công an toàn
Tại cuộc gặp mặt, giải đáp mối quan tâm của báo chí về vai trò của Quốc hội với vấn đề kiểm soát nợ công đang có nguy cơ vượt trần, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận: “Quốc hội cũng có trách nhiệm đối với vấn đề nợ công, vì việc quyết định bội chi hàng năm bao nhiêu, phát hành trái phiếu bao nhiêu thì Quốc hội đều có Nghị quyết; nhưng trong thi hành thì cơ quan chấp hành của Chính phủ thực hiện điều hành”.
Bà Ngân phân tích: “Nếu như trước đây nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50%, thì đến cuối 2013, nợ công vẫn dưới 65%, nhưng nợ CP đã vượt 0,3%. Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận nhiều về vấn đề này. Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội gắn với báo cáo nợ công, đồng thời báo cáo độc lập về nợ công để Quốc hội thảo luận. Trong khóa này, Quốc hội sẽ tiếp tục quyết tâm kiểm soát nợ công, và tính toán lại cách xác định nợ công, liệu trần nợ công 65% có đảm bảo an toàn hay không?”.
“Hiện nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng vấn đề mà Quốc hội quan tâm là nợ công có an toàn hay không, chứ không phải là trên hay dưới 65%. An toàn có nghĩa là đã vay thì đến hạn phải trả được, nếu đến thời hạn mà không trả được thì không an toàn. Quy mô nền kinh tế của chúng ta là ngân sách nhỏ, vay nợ để đầu tư phát triển là rất cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng là vay để làm gì, có đúng mục đích, việc sử dụng khoản vay đó có hiệu quả không và phải bảo đảm nền tài chính của đất nước có thể chịu đựng được”, bà Ngân nhấn mạnh.
Hiện nay, theo Chủ tịch Quốc hội, nợ công của Việt Nam rõ ràng là đang có vấn đề, mặc dù vẫn ở mức kiểm soát được, nhưng đến thời hạn trả nợ thì không có đủ nguồn lực để cân đối, phải vay để đáo hạn, vay mới để trả cũ. Hiện Quốc hội đang có những điều chỉnh để giảm áp lực trả nợ công, bảo đảm hiệu quả khoản vay bằng nghị quyết như: thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nước ngoài; thay đổi cơ cấu vay ngắn hạn sang vay trung và dài hạn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính mới đây, xu hướng này đang diễn ra tốt. “Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công để đảm bảo Việt Nam không giẫm lên vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở châu Âu, châu Mỹ; không để tỷ lệ bội chi tăng lên, cố gắng kiểm soát dần dần để đưa về quỹ đạo”, Chủ tịch Quốc hội thể hiện quyết tâm.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội cần có sự đoàn kết, sáng tạo và tiếp tục đổi mới. Bên cạnh đó, nếu không có sự đóng góp của phóng viên, báo chí thì không thể tưởng tượng được việc chuyển tải thông tin tới cử tri sẽ như thế nào, Quốc hội chỉ nói cho nhau nghe. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội với các quyết sách của Quốc hội. Riêng đối với phản ánh của báo chí về việc ĐBQH Võ Kim Cự né tránh trả lời khi được hỏi về vấn đề liên quan đến Formosa, Chủ tịch Quốc hội cam kết sẽ có chỉ đạo ĐBQH tăng cường tiếp xúc với báo chí, chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin để báo chí có nhìn nhận đầy đủ, chứ không mập mờ, né tránh.