Chủ tịch Phục Hưng Holdings: Đã làm là làm ra sản phẩm tốt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giữ vững uy tín thương hiệu nhà thầu xây dựng trong nhiều năm, lấn sang làm chủ đầu tư và vươn tầm với vai trò tổng thầu thiết kế - thi công của nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, đó là hành trình đi lên đầy nỗ lực của doanh nghiệp 22 tuổi - Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC).
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings

Trò chuyện cùng phóng viên Báo Đấu thầu, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch PHC khiêm tốn bày tỏ, thành quả của Công ty chưa là gì so với nhiều nhà thầu Việt - những đồng nghiệp ở mảng giao thông, xây dựng. “Sự vươn lên của các đồng nghiệp đã truyền thêm cảm hứng, thêm khát vọng cho Phục Hưng Holdings”, ông Lâm nói.

Từ những tấm gương nhà thầu, đồng nghiệp…

“Trong nhiều năm trở lại đây, năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt trở nên mạnh mẽ hơn nhiều, không chỉ giành lại lợi thế tại thị trường trong nước, mà nhiều nhà thầu Việt đang nung nấu khát vọng vươn khơi, thử sức và chinh phục thị trường quốc tế”, ông Lâm mở đầu câu chuyện.

Theo quan sát của ông Lâm, nhiều công trình, dự án lớn được thực thi minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của doanh nghiệp, nhà thầu Việt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông, hạ tầng dân dụng nói riêng. Nhà thầu Việt có thể đảm nhận vai trò nhà thầu chính, nhà đầu tư đường cao tốc, các công trình giao thông cấp đặc biệt, các công trình hầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp… “Bên cạnh phát triển mạnh năng lực thi công, công nghệ, nhiều nhà thầu Việt còn phát triển năng lực quản lý, quản trị, rất đáng để Phục Hưng Holdings học hỏi”, ông Lâm nói.

Tháng 12/2023, Cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành với cầu chính dài khoảng 1,9 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h; nhịp chính với kết cấu dây văng lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện toàn bộ, từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Đơn vị thi công dự án là Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính - VNCN E&C.

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Nhà thầu Việt Nam từng khẳng định được chỗ đứng với việc xây dựng Landmark 81 - Tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong TOP những tòa nhà cao nhất thế giới - do chính tay người Việt làm nên. Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Vingroup, tổng thầu là Công ty CP Xây dựng Coteccons.

Ông Lâm cũng không quên nhắc tới Liên danh nhà thầu Vietur đã vượt qua nhiều đối thủ là các nhà thầu tên tuổi trong nước, quốc tế, để trúng thầu Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách thuộc Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, với giá trị 35.000 tỷ đồng. Ông Lâm chia sẻ niềm tự hào khi Phục Hưng Holdings là thành viên của liên danh này, được đóng góp sức mình trong một dự án trọng điểm của đất nước.

Nhà thầu Việt đang từng bước phát triển, dần thay thế nhà thầu ngoại ở các tòa nhà, công trình quy mô lớn, hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao. Theo ông Lâm, nhiều DN xây dựng lớn của Việt Nam có thể đảm nhiệm phát triển dự án quy mô lớn với chất lượng không thua kém các tập đoàn xây dựng nước ngoài với giá cả cạnh tranh.

… đến khát vọng vươn tầm cùng đất nước

Trở lại với câu chuyện của Phục Hưng Holdings, ông Lâm chia sẻ, những năm còn là sinh viên tại Trường Đại học Xây dựng, ông bị ám ảnh bởi một số câu chuyện của ngành ở thời điểm 30 năm trước với góc nhìn của xã hội về nghề xây dựng là “ăn bớt, ăn xén”; “bê tông cốt tre”… - những cái nhìn hết sức tiêu cực. Do vậy, ông Lâm bước chân vào nghề với tâm niệm cố gắng làm nghề một cách tử tế, truyền cảm hứng về đạo đức nghề nghiệp cho đồng nghiệp bằng quyết tâm đã làm là làm ra sản phẩm tốt cho người sử dụng. Quyết tâm ấy đã dẫn đường cho ông từ khi bước chân vào thương trường tới hôm nay.

Phục Hưng Holdings khởi nghiệp năm 2001 tại Hà Nội và trở thành thương hiệu nhà thầu uy tín khi hoàn thành nhiều công trình, dự án quy mô lớn từ Bắc chí Nam. Giai đoạn 2008 - 2009, Phục Hưng Holdings quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu, chấp nhận sự giám sát của cổ đông, nhà đầu tư và toàn thị trường. “Thời đó, chúng tôi đặt minh bạch lên trên mục tiêu huy động vốn và biết lên sàn là tham gia một sân chơi khó, nhưng khó là để vượt khó, để bứt phá đi lên”, ông tâm sự.

Trong quan hệ với cổ đông, 10 năm gần đây, Phục Hưng Holdings liên tục trả cổ tức bằng tiền mặt, có những năm trả tới 12-14% (trừ năm 2021 trả cổ tức bằng cổ phiếu). Năm 2023, trong khó khăn chung của nền kinh tế và khó khăn đặc thù của ngành xây dựng, hiệu quả hoạt động của PHC chưa đạt như dự kiến. Tuy nhiên, với uy tín đã được khẳng định cùng quyết tâm chinh phục các công trình mới, dự án mới, phức tạp hơn, giá trị hơn bằng tâm thái làm nghề tử tế, Công ty mà ông Cao Tùng Lâm dẫn dắt hội tụ nhiều yếu tố để phục hồi hiệu quả và được định giá xứng đáng hơn trong đánh giá của nhà đầu tư.

Những năm tiếp theo, Phục Hưng Holdings ghi dấu ấn lớn vào cuối năm 2016 khi trúng thầu D&B Dự án CT1 Gamuda Garden (Hoàng Mai, Hà Nội), hợp đồng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng, với chủ đầu tư là tập đoàn bất động sản hàng đầu Malaysia. Việc hợp tác, triển khai dự án này được coi là bước phát triển cao nhất với nhà thầu xây dựng, bởi đòi hỏi nhà thầu phải có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực để đảm nhận từ khâu thiết kế, kiểm soát, thẩm định thiết kế và triển khai thi công, vận hành. Hoàn tất Dự án và khẳng định thương hiệu, uy tín trên thương trường, Phục Hưng Holdings “lấn sân” sang đầu tư một số dự án bất động sản.

Người đứng đầu Phục Hưng Holdings bộc bạch, mảng đầu tư bất động sản không khó, bởi trong chuỗi công việc quản lý một dự án đầu tư (bao gồm giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư (tổ chức quản lý dự án, bán hàng), quản lý sau đầu tư), thì mảng khó nhất là tổ chức quản lý dự án, trong khi đây lại là sở trường của các nhà thầu. Không ít dự án đầu tư của Phục Hưng Holdings và dự án có sự tham gia của Công ty trở thành điểm sáng về chất lượng sống mới ở Thủ đô, được ghi nhận là dự án đáng sống. Nhìn ra quốc tế, các chủ đầu tư, nhà thầu lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng chủ yếu đi lên từ nhà thầu xây dựng, với lợi thế hiểu nghề, lại đảm nhiệm được khâu khó nhất trong chuỗi công việc đầu tư.

Với bầu nhiệt huyết, hoài bão và cả những trăn trở với nghề, ông Lâm tâm sự, trong chiến lược phát triển dài hạn, Phục Hưng Holdings dự kiến gia tăng năng lực thi công để thực hiện được các dự án hạ tầng phức tạp, tham gia xây lắp các dự án công nghiệp có vốn quốc tế và phối hợp triển khai một số dự án bất động sản cụm công nghiệp. Ông tin rằng, chiến lược mở rộng không gian tăng trưởng sẽ có sự đồng hành của một số nhà đầu tư mới, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Một số nhà đầu tư quốc tế đang trong giai đoạn tìm hiểu, đàm phán với Công ty. Họ là những tập đoàn lớn, có công nghệ và trình độ quản trị hiện đại và như ông Lâm nói, họ chính là những “mảnh ghép” mà Phục Hưng Holdings đang rất cần để gia nhập thị trường xây dựng công nghiệp, một thị trường đầy tiềm năng bên cạnh thị trường xây lắp nhà ở dân dụng.

Phục Hưng Holdings cũng dự định tìm kiếm cơ hội đầu tư một dây chuyền sản xuất công nghiệp, cụ thể là sản xuất vật liệu ngành xây dựng, bởi theo ông Lâm, con đường nào của doanh nghiệp rồi cũng phải đi vào sản xuất mới thực sự bền vững.

Chuyên đề