Chủ tịch nước lên đường thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị APEC

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị Các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29..
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.

Tham gia Đoàn còn có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương có các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm.

Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan đang phát triển tốt đẹp.

Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, một số văn kiện hợp tác giữa hai nước sẽ được ký kết.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Thái Lan sau 24 năm.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước.

Với Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là ưu tiên quan trọng trong triển khai chiến lược đối ngoại, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác APEC.

Trong năm APEC 2022, chủ nhà Thái Lan đề xuất chủ đề: “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.” (Open. Connect. Balance.) với Tầm nhìn về một APEC “Mở với tất cả cơ hội, Kết nối trên mọi phương diện, Cân bằng trên mọi khía cạnh”.

Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào 3 ưu tiên: Thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội; khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.

Năm 2022 là năm đầu tiên Diễn đàn triển khai Kế hoạch Ao-tê-a-rô-a về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định vai trò diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Trong năm 2022, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Ao-tê-a-rô-a về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC từ 17 - 19/11, dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị CEO Summit, dự một số phiên họp quan trọng.

Chuyên đề