Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả: Trên các công trình có dấu ấn của một tập thể giàu khát vọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Việt Nam ơi! Khát vọng đang ở đâu? Nhìn năm châu thấy mình đang ở đâu. Đàn chim bay giữa trời đi về đâu? Nợ non sông cúi đầu không một câu”. Đó là điệp khúc bài hát “Khát vọng Việt Nam” do ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả sáng tác. Những câu từ của bài hát thể hiện ý chí, khát khao chinh phục thử thách và niềm tin của vị thủ lĩnh tinh thần đã làm nên thương hiệu Đèo Cả.
Hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công
Hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công

Gần 40 năm gây dựng (tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch thành lập năm 1985), đến nay, Đèo Cả đã trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành giao thông với năng lực toàn diện, từ đầu tư, xây lắp hạ tầng, quản lý vận hành, khai thác dự án. “Chìa khóa” để vượt sóng gió trong mỗi chặng đường chính là nghĩ khác biệt, tạo cách biệt của người thủ lĩnh Đèo Cả.

Ông Hồ Minh Hoàng

Ông Hồ Minh Hoàng

Ông Hoàng chia sẻ, dấu ấn và cũng là mốc son của ông trong gần 40 năm lăn lộn cùng Tập đoàn là Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả. Đây là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, các yêu cầu về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Khi đề xuất dự án này, ông Hoàng chỉ mới hơn 30 tuổi và Đèo Cả lúc đó còn rất non trẻ về cả tài chính, nguồn nhân lực và máy móc thiết bị. Tại thời điểm đó, không nhiều người đặt niềm tin vào ông, từ các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội, thậm chí còn cho rằng dự án này là một ý tưởng điên rồ. Trong quá trình triển khai, khi đối mặt với rất nhiều khó khăn, những cộng sự trong Liên danh nhà đầu tư đã dần rút lui, nhường lại sứ mệnh cho Đèo Cả.

Với suy nghĩ, trong khó khăn sẽ có cơ hội, sự hoài nghi của dư luận và thách thức sẽ là động lực để vượt khó và khẳng định chính mình, Đèo Cả đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, thuê chuyên gia giỏi của Nhật Bản cùng nhau phối hợp thực hiện (tại thời điểm đó, ở Việt Nam mới chỉ có công trình hầm Hải Vân do các đơn vị nước ngoài thiết kế và thi công hoàn toàn). Trời không phụ lòng người, dường như những khó khăn đã nhường bước trước ý chí mạnh mẽ, quả cảm, dám nghĩ và dám làm để khẳng định bản lĩnh vượt trội của nhà thầu Việt. Tháng 8/2017, công trình hầm Đèo Cả dài 4,2 km được thông xe trong niềm vui khôn xiết của nhân dân địa phương. Công trình chính là minh chứng cho thấy người Việt hoàn toàn có thể làm được những công trình lớn lao và có yêu cầu kỹ thuật cao.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả chính là nền tảng để doanh nghiệp do ông Hoàng dẫn dắt tiếp tục làm những công trình như hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2...

Khẳng định tên tuổi qua những công trình hầm nổi tiếng, Đèo Cả được Chính phủ và các cơ quan tin tưởng giao phó “giải cứu” nhiều dự án giao thông bị “đứt gánh giữa đường” như Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, khi Đèo Cả tiếp nhận lại những dự án dang dở này, vẫn có không ít hoài nghi và ý kiến thiếu thiện chí như có liên quan đến đường dây đánh bạc của Đinh Văn Dương, nhà đầu tư cũ của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tương tự, khi tiếp nhận dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, nhiều thông tin không tốt cũng nhắm vào Đèo Cả với nghi vấn “ôm khối nợ khủng” vì có liên quan đến chủ đầu tư cũ bị bắt và hàng loạt nhà đầu tư 0 đồng tham gia triển khai dự án dang dở 9 năm mà chỉ thực hiện được 10% tổng khối lượng.

Ông Hoàng chia sẻ, để “hóa giải” những nghi ngờ của dư luận, Đèo Cả đã mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào rà soát, làm rõ tất cả các vướng mắc, phân rõ thẩm quyền giải quyết, đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư và nút thắt cơ chế nào cần phải có cơ quan chức năng giải quyết. Từ đó, núi khó khăn dần được tháo gỡ, các dự án đã cán đích một cách thuận lợi, nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư, thương hiệu con người Đèo Cả thêm một lần nữa được mọi người ghi nhận.

“Mở hàng” năm mới 2024, Đèo Cả đã cùng địa phương khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối hai tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng. Đây là dự án giao thông đầu tiên thực hiện theo Luật PPP. Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án phức tạp về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, kiểm soát sử dụng vốn..., do đó, Đèo Cả đề xuất phương thức thực hiện dự án "3P+" để nâng cao năng lực quản lý dự án, tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Ông Hoàng cho biết, PPP+ là phương thức tổ chức mà nhà thầu thi công dự án đồng thời là nhà đầu tư cùng triển khai thi công theo mô hình tổng thầu EC và EPC thay vì các nhà thầu đơn lẻ.

Nhiều công trình đường hầm, đường bộ phức tạp mà Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành đã khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của những con người làm nên thương hiệu Đèo Cả, với vị thủ lĩnh là ông Hồ Minh Hoàng. Trong chặng đường gần 40 năm phát triển, Đèo Cả luôn nhận về mình những dự án khó - mà sau khi hoàn thành đều là những kỳ tích nối thông huyết mạch giao thông cho đất nước. Trên các công trình có dấu ấn của một tập thể giàu khát vọng, dám đối đầu với khó khăn, biến hoài nghi thành động lực hành động, biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể, góp sức biến khát vọng Việt Nam thành hiện thực.

Chuyên đề