Chủ động thu hút dự án FDI chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tranh thủ cơ hội, lợi thế trong bối cảnh mới, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều hành động để “chủ động” trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nhân lực, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước…, việc chủ động lựa chọn dự án để mời gọi đầu tư được đánh giá là cần thiết để có thể thu hút FDI một cách hiệu quả trên cơ sở hai bên cùng thắng.
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động mạnh bởi Covid-19, phần lớn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động mạnh bởi Covid-19, phần lớn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Chủ động lựa chọn dự án mời gọi nhà đầu tư

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025. Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư nói chung góp phần minh bạch hóa các cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thông qua Danh mục, nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm thông tin về các dự án đầu tư cụ thể mà còn hiểu được thông điệp về định hướng, ưu tiên phát triển các ngành nghề, lĩnh vực và chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là một trong những hình thức xúc tiến đầu tư có hiệu quả được phối hợp với các hình thức khác như tổ chức hội nghị, hội thảo, quảng bá trên phương tiện truyền thông…

Bộ KH&ĐT cho biết, các dự án đưa vào Danh mục đáp ứng nhiều tiêu chí, bao gồm các lĩnh vực/dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Cụ thể là dự án lớn, trọng điểm quốc gia; các dự án thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo; các dự án có tính liên vùng, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết phát triển công nghiệp. Dự án phải có kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh quốc gia, khu vực và địa phương; đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ và đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, nộp ngân sách lớn, hiệu quả sử dụng đất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến...

Trên cơ sở 332 dự án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và căn cứ các tiêu chí lựa chọn, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp, đề xuất Danh mục gồm 159 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến kêu gọi hơn 86 tỷ USD. Trong đó có 34 dự án giao thông, 37 dự án nông - lâm nghiệp và thủy sản, 17 dự án sản xuất và dịch vụ, 24 dự án hạ tầng khu công nghiệp; 14 dự án văn hóa, thể thao, du lịch;9 dự án năng lượng ; 9 dự án công nghệ thông tin…

Bối cảnh mới, cơ hội mới

Nhìn lại việc thực hiện Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 được ban hành năm 2014 với 127 dự án, chỉ có khoảng 26% số dự án thu hút được nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân khiến Danh mục năm 2014 chưa hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế là do có nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhưng thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn và đặc biệt là chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Trong Danh mục giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực hạ tầng tiếp tục chiếm số lượng lớn dự án, trong đó riêng giao thông có 34 dự án với tổng vốn kêu gọi hơn 37 tỷ USD. Dự án được các bộ, ngành, địa phương đề xuất kêu gọi theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) chiếm đa số.

Tuy nhiên, khung chính sách hiện nay đã có nhiều bước tiến, trong đó phải kể đến sự ra đời của Luật PPP được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao. Đạo luật này được xây dựng và ban hành với quan điểm, mục tiêu là bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp. Việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn và bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Việt Nam đang rất hấp dẫn trong mắt giới đầu tư quốc tế. Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với điểm cộng rất lớn trong kiểm soát dịch bệnh. Không chỉ nhà đầu tư mới, mà cả nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam đã quyết định dịch chuyển một số tài sản, dự án sản xuất của họ sang Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động mạnh bởi Covid-19, phần lớn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn duy trì được sản xuất, xuất khẩu. Việt Nam đã chứng tỏ rằng nhà đầu tư có thể duy trì được sản xuất, cung ứng hàng hóa ra toàn cầu ngay cả trong thời điểm khó khăn. Tiếng lành đồn xa, điều này sẽ tiếp tục đem lại uy tín, hình ảnh tốt hơn, cùng với sự ổn định vĩ mô, chính trị, những chính sách mới, quyết tâm tạo môi trường thuận lợi, sẽ đóng góp vào thu hút FDI năm 2021 và nhiều năm tới.

Chuyên đề