Những lợi ích to lớn
CMCN 4.0 là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách phát triển nếu chúng ta hành động đúng và đi đúng đường. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ KH&ĐT.
Tại Việt Nam, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN điểm lại, nhờ có Trung tâm Thông tin vệ tinh Vinasat, chúng ta có thể theo dõi tình hình phát triển kinh tế các vùng, các địa phương; nhờ có Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; nhờ có Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng xác định được đâu là sâm thật, sâm giả… Theo đó, CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra bước nhảy vọt, là động lực, là đòn bẩy đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Cùng với góc nhìn này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đi lên hiện đại và thịnh vượng. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng này để vượt qua thách thức về tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển và bắt kịp, đi cùng, vượt lên về công nghệ và kinh tế.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030 chỉ ra, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế to lớn giúp cắt giảm chi phí kinh doanh, nâng cao năng suất. Công nghệ 4.0 giúp các tổ chức, doanh nghiệp có các giải pháp hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn nhờ tối ưu hóa các yếu tố đầu vào... CMCN 4.0 tạo ra các mô hình kinh doanh không cần nhiều vốn đầu tư để mua sắm các hệ thống máy móc, nhà cửa, công xưởng như trước đây…
Cũng theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích rất lớn. Đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm từ 7 - 16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0). CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cấu trúc việc làm của nền kinh tế nhưng sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm. Năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD đến năm 2030.
“Bộ KH&ĐT phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo”
Về sự cần thiết phải có những cơ chế, chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới trong điều kiện CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: “Bộ KH&ĐT phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới thể chế thúc đẩy KH&CN phát triển”.
Để nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã và đang triển khai nhiều nội dung liên quan đến cuộc CMCN 4.0. Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với NIC. “Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung cố gắng nhằm sớm hình thành Trung tâm và dự kiến tổ chức một số sự kiện về nội dung hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ chế và mạng lưới kết nối giữa NIC và các trung tâm này ở địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Bên cạnh việc tích cực nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Bộ KH&ĐT cũng hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hợp tác giữa Chính phủ với các quỹ đầu tư trong tư vấn, tham mưu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trên các khía cạnh như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai ứng dụng KH&CN…
Đánh giá về mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam, Dự thảo Chiến lược nêu trên nhìn nhận, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có bước phát triển khá mạnh với sự tham gia của nhiều vườn ươm khởi nghiệp. Một số công ty khởi nghiệp sáng tạo đã chứng tỏ khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được chấp nhận trên toàn cầu, sử dụng dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ 4.0 khác để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cho khách hàng. Một số công ty đáng nói đến là Got It với các ứng dụng giáo dục, Holistics với dịch vụ quản lý dữ liệu, ELSA với dịch vụ học tiếng Anh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và MoMo với ứng dụng ví điện tử sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Nhiều công ty hàng đầu đã chuyển hướng sang các công nghệ của CMCN 4.0, chủ yếu là điện toán đám mây và phân tích dữ liệu…