Chọn thầu tại Lâm Đồng: Còn tình trạng hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện công tác đấu thầu trên địa bàn Tỉnh, năm 2021 có 1 gói thầu được Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở đề xuất UBND Tỉnh hủy thầu vì không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) và HSMT có tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại Lâm Đồng.
Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 3.900 gói thầu với tổng giá gói thầu là 7.803,6 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 7.646 tỷ đồng, tiết kiệm đạt 2,02%. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 3.900 gói thầu với tổng giá gói thầu là 7.803,6 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 7.646 tỷ đồng, tiết kiệm đạt 2,02%. Ảnh: Tiên Giang

Gói thầu được Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng nhắc đến là Gói thầu Mua sắm trang thiết bị thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị, công cụ, dụng cụ cho các cơ quan huyện Đam Rông năm 2021. Gói thầu do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đam Rông làm chủ đầu tư; Công ty CP MS Sigma mời thầu, có 3 nhà thầu tham dự. Liên danh Công ty TNHH MTV Sách Thiết bị trường học Hà Nội - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nho Châu (Lâm Đồng) trúng thầu với giá 4,862 tỷ đồng. Một nhà thầu đến từ Đà Nẵng bị loại vì không đáp ứng yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng III và nộp hàng mẫu, trong khi hạng mục mái che của Gói thầu có tính chất đơn giản và hạng mục bàn ghế làm việc, ghế hội trường… là những hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường.

Sau khi xem xét, xử lý kiến nghị của Nhà thầu bị loại, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của Sở KH&ĐT Lâm Đồng đề xuất UBND Tỉnh hủy thầu. Ngày 31/12/2021, UBND huyện Đam Rông ra quyết định hủy thầu với lý do: không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu; HSMT yêu cầu chứng chỉ xây dựng hạng III, cung cấp hàng mẫu và hợp đồng tương tự sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gây hạn chế sự tham gia một số nhà thầu và không thể chấm thầu do yêu cầu hàng mẫu có sự mâu thuẫn, chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT/TTg ngày 27/12/2017, Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT ngày 30/6/2020 và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

Không chỉ ở gói thầu nêu trên, phản ánh của các nhà thầu tới Báo Đấu thầu trong suốt 1 năm qua cho thấy, nhiều gói thầu của các chủ đầu tư khác nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tình trạng cài cắm tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh.

Điển hình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng có tới 5 gói thầu thi công xây dựng, cung cấp thiết bị trường học đều bị các nhà thầu phản ánh rằng HSMT đưa ra tiêu chí “địa phương hóa” nhằm hạn chế nhà thầu ở các địa phương khác tham gia. Cả 5 gói thầu đều yêu cầu: nhà thầu (cung cấp thiết bị) phải có trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện tại Lâm Đồng. Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt sau đó cho thấy, các nhà thầu được lựa chọn trúng thầu đều là doanh nghiệp tại Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, việc đánh giá HSDT, chất lượng của các BMT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là đơn vị tư vấn, cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã phải hủy thầu đối với Gói thầu Mua sắm găng tay y tế vì 2 HSDT đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Quyết định hủy thầu này được phê duyệt sau khi có nhà thầu kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, và phải tổ chức đánh giá lại HSDT nhiều lần.

Một số trường hợp hủy thầu với lý do như: ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu (HSYC) khi chưa thực hiện báo cáo thẩm định HSYC; chưa đăng tải công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định; chưa kiểm tra, kiểm soát đầy đủ thông tin về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu trước khi ban hành quyết định lựa chọn nhà thầu; sai sót trong khâu đăng tải thông tin đấu thầu…

Chuyên đề