Chọn kỹ nhà thầu, giải ngân vốn đầu tư công không khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại khu vực phía Nam, có 3 địa phương liên tục đứng top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công gồm: Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Có nhiều giải pháp đồng bộ để các địa phương này bảo đảm tiến độ giải ngân, trong đó đặc biệt coi trọng công tác lựa chọn nhà thầu.
Dự án Đường vành đai TP. Tân An (Long An) dự kiến thông xe toàn tuyến cuối năm 2023. Ảnh: Long An
Dự án Đường vành đai TP. Tân An (Long An) dự kiến thông xe toàn tuyến cuối năm 2023. Ảnh: Long An

Theo ông Trương Văn Liếp - quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An, tính riêng 6 tháng đầu năm, Long An đứng thứ 4/114 bộ, ngành, địa phương, cơ quan của cả nước về giải ngân đầu tư công. Tính đến ngày 16/8/2023, khối lượng thực hiện tại các dự án đầu tư công đạt gần 6.200 tỷ đồng, bằng 62,64% kế hoạch; giải ngân trên 6.100 tỷ đồng, đạt 62,25% kế hoạch (cùng kỳ năm 2022 giải ngân đạt 42,12%). Cập nhật đến ngày 13/9/2023, khối lượng thực hiện là 6.547,36 tỷ đồng, đạt 66,61% kế hoạch; giải ngân 6.508,28 tỷ đồng, đạt 66,22% kế hoạch. Dự kiến, đến hết năm 2023, Tỉnh sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, ngoài việc đẩy nhanh bàn giao mặt bằng, địa phương đặc biệt coi trọng việc lựa chọn nhà thầu, chất lượng, tiến độ thi công của nhà thầu tại các công trình trọng điểm.

Trong đó, Dự án Đường vành đai TP. Tân An được xác định là công trình trọng điểm với tổng chiều dài tuyến 22,35 km, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, được triển khai ngay khi đoạn tuyến Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 827A hoàn thành đưa vào sử dụng dịp 30/4/2023. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Long An (Chủ đầu tư) cho biết, 12/23 km của Dự án đã hoàn thành nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Tỉnh, nỗ lực thi công của các nhà thầu.

Gói thầu Thi công xây dựng cầu Rạch Chanh thuộc Dự án do Liên danh Công ty CP Xây dựng 21 Thăng Long - Công ty TNHH Sông Lam - Công ty TNHH MTV 622 thi công (giá trúng thầu 207,99 tỷ đồng) triển khai từ cuối tháng 9/2022 đạt tiến độ tốt. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Quá đến Quốc lộ 1 đã hoàn thành 95% khối lượng; đoạn từ Đường tỉnh 827A đến Đường tỉnh 827B đang thi công, giá trị thực hiện đạt 64,63%; phần cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây giá trị thực hiện đạt 75,58%...

“Sở Giao thông vận tải Long An thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án một cách nhanh nhất. Đồng thời, lãnh đạo Sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thông xe toàn tuyến”, ông Trúc cho biết.

Loạt gói thầu lớn tại Long An như: Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án cầu Kênh 79 trên tuyến đường vành đai thị trấn Tân Hưng (75,758 tỷ đồng) sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng; Gói thầu Thi công xây dựng đoạn từ nút giao ĐT.830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm (đơn nguyên bên trái tuyến) với giá trị 179,233 tỷ đồng, Gói thầu Thi công xây dựng đoạn từ nút giao Đường tỉnh 830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm (đơn nguyên bên phải tuyến) có giá trị 143,835 tỷ đồng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830) đều đang làm chủ tiến độ…

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật có tốc độ thi công tốt, tạo nền tảng thuận lợi cho kêu gọi đầu tư vào địa phương như Dự án Khu dân cư Phường 4 - Hòa An (giai đoạn 2), Phường 4, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp; Dự án Đường Nguyễn Thị Lựu (đoạn Khu dân cư Phường 4 Hòa An - sông Hổ Cứ); Dự án Khu tái định cư cho các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP. Sa Đéc (Khu số 01)…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (tổng mức đầu tư 2.570 tỷ đồng) có 3 gói thầu xây lắp chính đều hoàn tất lựa chọn nhà thầu vào tháng 10/2022 và đều thi công bảo đảm tiến độ.

“Theo hợp đồng đã ký kết, các nhà thầu huy động tổng lực nhân sự, phương tiện đẩy nhanh thi công khi được giao mặt bằng sạch. Do đó, khả năng đưa Dự án về đích đúng kế hoạch vào tháng 11/2023 hoàn toàn khả thi”, đại diện Liên danh Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty CP Công trình 207 thi công Gói thầu số 11 Thi công xây dựng đoạn từ Km08+000 đến cuối tuyến tránh Km14+564.42 (302,474 tỷ đồng) cho biết.

Tại tỉnh Tiền Giang, địa phương đứng đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tỉnh cho biết, Chủ đầu tư quan tâm đến chất lượng công tác lựa chọn nhà thầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch và cạnh tranh giữa các nhà thầu. Nhờ đó, các nhà thầu được lựa chọn đều có kinh nghiệm dày dặn, tài chính vững và làm chủ tiến độ, thậm chí vượt tiến độ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư