Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10. Ảnh: Nam An |
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Chương trình thực hiện trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số...); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Về cơ bản, các ý kiến tại Phiên họp đều nhất trí cho rằng, Chương trình rất có ý nghĩa và quan trọng. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc để bảo đảm về tính khả thi của một số mục tiêu đề ra và khả năng giải ngân trong từng giai đoạn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, tổng mức đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là rất lớn; do vậy cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.