Chịu tác động kép, doanh nghiệp xăng dầu “lao đao”

(BĐT) - Tác động từ dịch Covid-19 và giá dầu giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước đối mặt với bài toán sản lượng bán hàng sụt giảm, trong khi chi phí tồn kho tăng cao.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến quý IV, lợi nhuận năm 2020 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến quý IV, lợi nhuận năm 2020 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Tính từ đầu tháng 2/2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu cũng như các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp phân phối xăng dầu chiếm gần 50% thị phần cả nước - ước lỗ 572 tỷ đồng trong quý I/2020, do trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Petrolimex cho biết, xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho, vì vậy, giá xăng dầu thế giới “lao dốc” với biên độ lớn (giảm 60%) trong quý I/2020 đã tác động đến giá vốn tồn kho của Tập đoàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hãng hàng không tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến dự trữ tồn kho tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.

Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý IV/2020, dự kiến năm 2020, Petrolimex ước doanh thu giảm 12.517 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra. Trước đó, đầu tháng 3/2020, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt khoảng 186.000 tỷ đồng và 5.380 tỷ đồng. Như vậy, nếu kịch bản dịch trên xảy ra, lợi nhuận năm 2020 của Petrolimex sẽ đạt 4.237 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019.

Trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng dầu thuộc Tập đoàn như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng đã bị lỗ.

PVOil cho biết, tác động kép của cuộc khủng hoảng này khiến sản lượng kinh doanh sụt giảm tại tất cả các kênh bán hàng (giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019), mức sụt giảm chưa từng xảy ra trước đây và dự kiến tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh xăng dầu bình quân tăng, trong khi PVOil và các đơn vị thành viên vẫn phải tăng chiết khấu để bán hàng. Ngoài ra, phát sinh lỗ do giảm giá hàng tồn kho khi giá bán lẻ liên tục giảm mạnh.

Đối với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, khiến tồn kho tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng cao (có thời điểm trên 90%). Thêm vào đó, tình trạng giá dầu giảm mạnh cũng khiến Công ty chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Công ty cho biết, khách hàng liên tục thông báo giãn, hoãn thời gian nhận hàng, đề nghị chậm thanh toán. Thậm chí, khách hàng Skypec đã thông báo không nhận sản phẩm Jet A1 từ 13/3 đến hết tháng 4/2020 do các chuyến bay trong nước và quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, Công ty phải tiếp nhận sản lượng dầu thô Bạch Hổ tăng so với kế hoạch khoảng 2 triệu thùng trong 5 tháng đầu năm 2020, đẩy mức tồn kho của Nhà máy càng tăng cao.

Hàng tồn kho tăng cao và chênh lệch giá sản phẩm dầu thô thấp khiến Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lỗ 313 tỷ đồng trong tháng 2/2020. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2020, Công ty lỗ 228 tỷ đồng. Hiện Công ty chưa công bố con số lỗ của quý I/2020.

Hiện tại, giá dầu thế giới đã tạm bình ổn khi các quốc gia sản xuất dầu với quy mô lớn đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề