Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU. Ảnh: VGP |
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet, Đại sứ Rumani tại Việt Nam Emil Ghitulescu, Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU đã chính thức diễn ra tại Hà Nội vào chiều hôm nay - 30/6/2019.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea và Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom đã cùng ký Hiệp định EVFTA.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. - Ảnh: VGP
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom đã cùng ký Hiệp định IPA.
Theo đại diện EU, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.
Theo nhiều đánh giá, hai Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng cần phải có những cải cách mạnh mẽ để tận dụng được cơ hội, giảm thiểu rủi ro, thách thức.
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Ảnh: VGP
Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ là rất đáng kể.
Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Dự báo EVFTA có thể được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.