Đối với doanh nghiệp sản xuất, sự phục hồi, phát triển ở mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Ảnh: Nhã Chi |
Ông Tô Hoài Nam |
Trong năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, DN. Ông ấn tượng nhất về điều gì?
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN. Trong đó, Chính phủ đã rất quyết tâm triển khai, thực thi nhanh các chính sách hỗ trợ dù so với những chính sách đã ban hành năm 2020, chính sách hỗ trợ năm 2021 có độ phủ rộng hơn, phạm vi rất rộng, nhiều lĩnh vực. Kết quả đạt được xét về quy mô hỗ trợ là tốt hơn rất nhiều. Những chính sách hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ DN về thuế, bảo hiểm, tiền thuê đất… đã thực thi tốt hơn năm 2020. Thủ tục hành chính, điều kiện tiếp cận đơn giản hơn và coi trọng hậu kiểm hơn là tiền kiểm.
Việc áp dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công đã được đẩy nhanh, áp dụng rộng rãi hơn rất nhiều, mà nếu không do tác động của dịch bệnh thì có thể chưa làm quyết liệt như thế. Tôi cho rằng dù đây không gọi là một giải pháp, chính sách hỗ trợ, không đo đếm bằng tiền nhưng có ý nghĩa thiết thực nhất, hiệu quả nhất, giúp cải thiện về môi trường kinh doanh, DN tiết kiệm về thời gian, chi phí đi lại, giảm thiểu chi phí không chính thức…
Tuy nhiên, một số nơi thủ tục hành chính vẫn còn dùng phương pháp cũ, đòi hỏi cần được cải thiện đồng bộ hơn.
Cảm nhận của ông về sức khỏe của khu vực DNNVV qua một năm nhiều sóng gió như thế nào?
DNNVV vốn đã nhiều khó khăn, năm 2021 lại càng thêm khó khăn, chủ yếu do tác động bất lợi từ đại dịch. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá DNNVV Việt Nam tuy yếu hơn trong khu vực về quy mô, kinh nghiệm nhưng có sức chống chịu với khó khăn dẻo dai hơn.
Dù số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể lớn, nhưng thực tế cho thấy nhiều DN đã trụ vững trước khó khăn rất lớn trong năm 2021. DNNVV Việt Nam đã chứng minh khả năng thích ứng cao, phản ứng linh hoạt khi bắt nhịp ngay, tổ chức sản xuất nhanh chóng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP.
Ông nhận định thế nào về triển vọng phát triển năm 2022 của khu vực DNNVV?
Triển vọng năm 2022 với sự phát triển của DNNVV Việt Nam rất khó dự báo vì cả thị trường trong nước và quốc tế đều phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh không có biến động bất lợi hơn so với hiện nay, tôi tin DN Việt Nam trong năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, tiến lên mạnh mẽ hơn.
Bởi lẽ, qua hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã tìm được hướng đi, cách ứng xử với thị trường, thói quen người sử dụng, đổi mới công tác quản lý và nhiều thích ứng khác nữa trong hoạt động DN.
Trong khu vực DNNVV của Việt Nam, DN dịch vụ thương mại chiếm đa số, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thực hiện hiệu quả chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, có môi trường đầu tư thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định là sẽ phục hồi phát triển lại rất nhanh.
Đối với DN sản xuất, thì sự phục hồi, phát triển ở mức độ nào còn phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nguyên vật liệu đầu vào. DN muốn nâng được sức cạnh tranh của hàng hóa thì giá nguyên vật liệu đầu vào phải không tăng bất thường, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế vĩ mô, nếu giữ được như hiện nay, không để xáo trộn lớn thì DN sản xuất cũng sẽ có điều kiện phục hồi, phát triển nhanh.
Với DN nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nếu giải quyết được vấn đề cơ bản về quy hoạch, mở rộng thị trường dựa vào các hiệp định sẽ có cách giải quyết được vấn đề đầu ra cho hàng hóa, nâng giá trị gia tăng.
Theo ông, đâu là những giải pháp mà khu vực DN trông chờ để nhanh chóng phục hồi, bứt phá trong năm 2022?
Ngoài những vấn đề cũ như tiếp cận vốn, đất đai…, DN kỳ vọng Chính phủ chú trọng quan tâm thêm một số vấn đề trong năm 2022.
Một là phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 128, phòng dịch linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt chú trọng tổ chức tiêm mũi 3 cho toàn dân, để ổn định về tâm lý, người lao động yên tâm làm viêc.
Hai là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính thông qua công nghệ tin học.
Ba là DN NVV chiếm tỷ lệ rất cao, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho khu vực DN này với cơ chế chính sách mở, thông thoáng hơn nữa, tạo ra môi trường đầu tư chia sẻ, đồng hành với DN.
Tôi cũng rất hy vọng ngoài những chương trình đầu tư đã định hướng trong Kế hoạch 2021 - 2025, trong giai đoạn phục hồi, Chính phủ quan tâm tập trung đầu tư hơn hạ tầng cơ sở cho du lịch, thủy lợi, nông nghiệp nông thôn vì đầu tư vào đây tạo nên cầu và hiệu ứng liên kết rất mạnh mẽ, kích thích nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau phát triển, đặc biệt tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho DN nội địa, DN Việt Nam có lợi nhiều hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế, vì thế những chính sách của Chính phủ lúc này là rất quan trọng để DN vực dậy được và khi DN đã vững được thì khả năng chống chọi, bứt phá sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!