Chính phủ phải có thông điệp rõ ràng về nợ công

(BĐT) - Chính phủ phải có thông điệp hết sức rõ ràng và minh bạch là tình hình nợ công, đang hết sức căng thẳng, chứ không an toàn hay vẫn nằm trong mức đảm bảo. Nếu không tính ỷ lại vào ngân sách trung ương vẫn còn. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) kiến nghị.  
Chính phủ phải có thông điệp rõ ràng về nợ công

Theo báo cáo của Chính phủ, ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 254 nghìn tỷ đồng. Với mức bội chi này dư nợ công là 64,98% GDP sát ngưỡng 65% GDP. Nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép là 50% GDP. Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chi trả nợ năm 2015 bằng 27,4% tổng thu trong khi trần Quốc hội cho phép là 25%. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này còn cao hơn. Đến thời điểm này tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng làm giảm GDP dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Như vậy, nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra.

Theo ông Tiến, nợ công có khả năng vượt trần 65% GDP trong năm nay. Giới hạn an toàn nợ công thường được nhắc đến với tiêu chí tổng nợ công không quá 65% GDP và tổng số nợ hàng năm phải trả không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Song tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại, trên tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh. Năm 2013 là 21,7%, năm 2014 tăng lên 28,2%, đến năm 2015 là 29,2% vượt trần 25%.

Việc quản lý sử dụng vốn vay cũng chưa thực sự đạt hiệu quả cao, thể hiện qua các dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu vốn vay còn rất lớn, nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong thời gian qua dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả không chỉ dừng lại ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, mà còn có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, ông Phùng Đức Tiến cảnh báo.

Trong rất nhiều giải pháp, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh, trong điều kiện nợ công gia tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, Chính phủ cần cân nhắc bổ sung thêm các chỉ tiêu giám sát chi phí vay để dừng vay hoặc cơ cấu lại đồng tiền vay khi không đạt mục tiêu chi phí thấp. Cân nhắc lợi ích mang lại để quyết định việc vay hay không vay, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch vay kể cả vay ODA, ưu đãi có điều kiện ràng buộc.

“Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc để không cuốn vào vòng xoáy nguồn thu ngân sách sau khi trả nợ xong còn hạn hẹp, không đủ để bố trí cho nhiệm vụ chi cần thiết, mất cân đối ngân sách”, ông Hàm khuyến nghị.

Chuyên đề