Chính phủ báo cáo Quốc hội chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính sách tài khóa, tiền tệ có thể tạo áp lực cân đối ngân sách Nhà nước và nợ công trong ngắn hạn nhưng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng nhanh quy mô nền kinh tế, tạo nguồn thu mới, bền vững cho ngân sách Nhà nước, giảm bội chi, nợ công và ổn định tài chính quốc gia trong dài hạn.

Sáng nay (4/1), tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023 cụ thể là: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng). Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng). Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng). Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng). Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Để hỗ trợ chương trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó có việc tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,1% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Trong trường hợp không thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,4%/năm. Khi thực hiện hiệu quả, chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Các giải pháp tập trung nâng cao năng lực nội tại cả phía cung và cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực, địa bàn động lực của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Qua đó, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm), không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, nhất là những đối tác lớn của Việt Nam. Tác động của Chương trình còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất lao động, sức cạnh tranh, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn, nhất là hỗ trợ về dòng tiền và thị trường, tăng tổng cung và tổng cầu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chương trình còn góp phần tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, đào tạo, đào tạo lại, từ đó tạo ra thu nhập và chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; bảo đảm an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Chính phủ cũng dự kiến tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%. Bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP bình quân 2 năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, trong đó bội chi ngân sách Nhà nước năm 2022 tối đa khoảng 5,1%GDP; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50%GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Như vậy, chỉ tiêu nợ công vẫn dưới ngưỡng cảnh báo, thấp hơn so với mức trần đã được Quốc hội cho phép; nợ Chính phủ có thể vượt ngưỡng cảnh báo, nhưng vẫn dưới mức trần Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ, theo dự kiến, so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, nhưng phấn đấu bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25% theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Theo Chính phủ, với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình, dự báo tác động đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công nêu trên, trong tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án điều hành kịp thời, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát, do vậy phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát.

Chuyên đề