Ảnh Internet |
Kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bước đầu đạt tốt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương còn dưới 10%.
Rút ngắn khoảng cách chênh lệch
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, TCTK cho biết, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, từ năm 2017, TCTK sẽ tập trung tính và công bố số liệu GRDP cho các địa phương.
Trong năm 2017, các Cục thống kê của 63 tỉnh, thành phố đã cung cấp thông tin đầu vào của 6 tháng, cả năm theo ngành kinh tế để các Vụ Thống kê chuyên ngành và Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia tính giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế, thuế sản phẩm và GRDP.
Đánh giá việc thực hiện Đề án này, TCTK cho biết, lần đầu tiên thực hiện tính toán chỉ tiêu GRDP cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt được kết quả bước đầu khá tốt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương còn dưới 10%. Trước đây, sự chênh lệch này có thời kỳ lên đến 1,7 - 1,8 lần.
TCTK khẳng định, việc đổi mới quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP tập trung tại TCTK đã đảm bảo tính toán các chỉ tiêu này trên cùng một nguồn thông tin, thống nhất về mặt phạm vi số liệu, phạm vi ngành kinh tế. Do vậy, phạm vi sai số thống kê về nguồn thông tin cũng tương đồng giữa các địa phương.
Việc tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP cũng được thực hiện theo cùng một phương pháp tính; quy về một đơn vị tính toán giúp hạn chế tối đa sai số.
Góp ý cho việc đổi mới quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê, đại diện Cục Thống kê TP. Hải Phòng cho biết, vẫn còn một số bất cập, tồn tại. Cụ thể, trong số liệu công bố GRDP, đa số các ngành kinh tế chỉ tính giá trị tăng thêm đến ngành cấp I, như vậy chưa phản ánh được chính xác thực trạng phát triển kinh tế tại địa phương theo ngành kinh tế cấp II.
Quy mô GDP và GRDP thấp hơn thực tế
Đại diện TCTK cho biết, thực hiện điều chỉnh quy mô GDP và GRDP là công việc cần thiết xuất phát từ tầm quan trọng của chỉ tiêu GDP và GRDP trong việc hoạch định chính sách, phân tích và dự báo. Việc điều chỉnh này sẽ giúp phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất của toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, từ đó phản ánh đúng hiện trạng kinh tế, động thái và xu hướng phát triển kinh tế.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng tiến hành điều chỉnh quy mô GDP năm 2014 khi tính thêm phần hoạt động của ngành ngân hàng và khấu hao nhà ở dân cư. Trong quá trình rà soát số liệu GDP của cả nước và GRDP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2010 đến năm 2016; căn cứ kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016; Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các thông tin do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan… cung cấp, TCTK nhận thấy, một số chỉ tiêu thống kê do TCTK tính toán và công bố vẫn còn thông tin về hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân chưa được thu thập đầy đủ, dẫn đến quy mô GDP và GRDP được tính toán thấp hơn thực tế. Do đó, TCTK định hướng, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, rà soát lại kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để phản ánh đúng, sát thực nhất thực trạng của nền kinh tế làm căn cứ giúp Chính phủ xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, TCTK cho biết, sẽ điều chỉnh quy mô GDP và GRDP thực hiện trong thời gian 9 tháng, từ tháng 3/2018 đến tháng 11/2018. Trong đó, TCTK sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai Đề án để thu thập tính toán kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát để tích hợp trong quy mô GDP và GRDP ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khu vực thống kê chưa được quan sát.
Nhận định về khu vực kinh tế chưa được quan sát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành thống kê còn bỏ sót rất lớn trong tính giá trị GDP bởi không có số liệu quản lý từ cấp dưới lên trên về kinh tế không chính thức. Điều này khiến ngành thuế thất thu, mất công bằng trong phát triển. Theo ước tính của người đứng đầu Chính phủ, có khoảng 2% GDP đã bị bỏ sót do không có số liệu quản lý về hoạt động kinh tế không chính thức này.