Theo kế hoạch, năm 2017, Bộ KH&ĐT dành phần lớn các cuộc thanh, kiểm tra đối với nội dung chấp hành pháp luật về đầu tư công. Với cương vị là Chánh Thanh tra Bộ, ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?
Trong 3 năm gần đây, về cơ bản, mỗi năm Bộ KH&ĐT đều lựa chọn nội dung thanh tra theo một số chuyên đề thiết thực, gắn với chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT nhưng không năm nào giống nhau, từ đó kịp thời đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách. Tuy nhiên, có một chuyên đề gần như xuyên suốt, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT là kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương. Nội dung kiểm tra này tập trung vào các dự án cụ thể xung quanh việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án; việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB)… Tại Điểm b Khoản 1 Mục I của Chỉ thị số 07/CT-TTg đã giao Bộ KH&ĐT kiểm soát và thẩm định chặt chẽ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tổng mức đầu tư các dự án được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương; đồng thời chỉ bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án được phê duyệt quyết định đầu tư theo đúng mức vốn đã được Bộ thẩm định.
10 địa phương nằm trong diện thanh tra chấp hành pháp luật về đầu tư công của Bộ KH&ĐT trong năm 2017 gồm các tỉnh: Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Sóc Trăng và Cà Mau. Đây là sự lựa chọn ngẫu nhiên, trên tinh thần không thanh tra trùng lặp, chồng chéo với các lực lượng thanh tra ở các bộ, ngành khác như: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính… 10 địa phương được lựa chọn thanh tra năm 2017 đều phân bổ khá đồng đều ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trước năm 2011, các cấp, các ngành cũng đã có những nỗ lực trong việc tăng cường quản lý, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối và thi công vượt vốn kế hoạch vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở địa phương. Từ năm 2011 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị liên quan đến vấn đề nợ đọng XDCB. Thứ nhất là Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ được ban hành năm 2011. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Tiếp đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công. Điều này cho thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, sâu sát, quyết liệt trong việc xử lý nợ đọng XDCB nhằm hạn chế việc đầu tư dàn trải.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, đến ngày 31/12/2014, các bộ, ngành, địa phương phải chốt được con số nợ đọng XDCB. Từ năm 2015, nếu tỉnh, thành, bộ, ngành nào còn để phát sinh nợ đọng XDCB thì sẽ bị xử lý theo luật định.
Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua nhiều giải pháp khác nhau như: tạm dừng, tạm hoãn, bỏ bớt hạng mục không thực sự cần thiết, chọn dự án có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, chỉ khởi công mới các dự án cấp bách… nên tình hình nợ đọng XDCB hiện đã giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng XDCB cũng được quan tâm, chú trọng nên phần lớn nợ đọng XDCB đã được giải quyết, nợ đọng XDCB nếu có phát sinh thì cũng không đáng kể.
Ông có thể chia sẻ về những tác động của các cuộc thanh tra đối với việc xử lý nợ đọng XDCB thời gian qua?
Có thể nói rằng, những kết quả tích cực, nhìn thấy rõ nét về việc giảm nợ đọng XDCB, xử lý nợ đọng XDCB thời gian qua phần lớn là nhờ vào việc triển khai quyết liệt những giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn ra đúng vấn đề, trúng vấn đề, từ đó mà các giải pháp xử lý nợ đọng XDCB rất phù hợp với thực tiễn. Sau khi các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ đọng XDCB được ban hành, các bộ, ngành đã có những hướng dẫn cụ thể, các cấp chính quyền địa phương cũng vào cuộc một cách tích cực hơn. Nhờ vậy, nợ đọng XDCB thời gian qua đã giảm đi rất nhiều, đã không còn là “căn bệnh nan y” như trước đây nữa.
Với góc độ là cơ quan thanh tra, thông qua nhiều cuộc kiểm tra, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng đã đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện, sử dụng vốn của địa phương sao cho đúng quy định, giảm thiểu việc xảy ra nợ đọng XDCB. Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu phát hiện ra vấn đề liên quan đến nợ đọng XDCB, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng đã kịp thời đưa ra những khuyến nghị để địa phương chấn chỉnh, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trân trọng cảm ơn ông!