Chắp cánh cho “sếu đầu đàn” DN nhà nước bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với khối doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục đóng vai trò quan trọng - động lực tăng trưởng kinh tế đất nước.
Bảy doanh nghiệp nhà nước thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt. Ảnh: Song Lê
Bảy doanh nghiệp nhà nước thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt. Ảnh: Song Lê

Đứng trước yêu cầu phát triển mới, chủ trương, đường lối của Đảng xác định rõ, đây vẫn là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế, cần được tiếp tục củng cố phát triển lớn mạnh ở một số lĩnh vực, thực sự trở thành những con chim đầu đàn có khả năng lan tỏa, dẫn dắt khu vực DN khác cùng phát triển.

Chưa thực hiện vai trò dẫn dắt, liên kết chuỗi

DNNN hiện có số lượng không lớn, khoảng 0,07% tổng số DN đang hoạt động, nhưng chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước. Tuy vậy, theo nhiều đánh giá, hoạt động của DNNN vẫn tồn tại những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả, kéo theo sự sụt giảm hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Phân tích của Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, so với khu vực DN FDI và DN tư nhân, khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu. Khu vực DNNN đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN. DNNN chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại như viễn thông, tài chính, tín dụng.

Trong các ngành, lĩnh vực cần có yếu tố đổi mới, khoa học công nghệ như công nghiệp chế biến, chế tạo, mức độ cạnh tranh của DNNN còn thấp so với các khu vực DN khác. Tỷ trọng doanh thu so với tài sản của DNNN thấp hơn nhiều so với DN khu vực FDI và khu vực tư nhân trong cùng ngành.

“Vai trò của DNNN trong dẫn dắt, tạo điều kiện cho DN ngoài nhà nước, thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị gia tăng hầu như chưa thực hiện được”, Cục Phát triển DN đánh giá. Theo cơ quan này, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo cơ chế tương đối khép kín, chưa khuyến khích các DN ngoài nhà nước tham gia vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo phản ánh của nhiều DN lớn như Viettel, EVN…, cơ chế hiện nay đối với DNNN ví như “tấm áo chật”, DN bị trói buộc bởi nhiều quy định, chưa được trao quyền tự chủ thực chất và cạnh tranh bình đẳng như các DN khác. Nguyên nhân của hạn chế này là do đang có sự nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu (quản lý nhà nước) và quyền của DN. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi không có dấu ấn của DNNN. Nếu tiếp tục thực hiện như bây giờ, DNNN sẽ tiếp tục sa sút.

Tháo gỡ cơ chế, chính sách, chắp cánh cho “sếu đầu đàn”

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Nghị quyết số 12-NQ/TW đã đề ra mục tiêu tổng quát trong sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Cơ cấu lại hệ thống DN, phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, trong đó cơ cấu lại DNNN, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Muốn đạt được mục tiêu đó, đại diện Cục Phát triển DN cho rằng, DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt các khu vực DN khác trên cơ sở phải có cơ chế kiến tạo cũng như cơ chế hỗ trợ nhằm giúp họ hoạt động theo đúng nghĩa, tránh tình trạng DNNN ngày càng sợ đổi mới phát triển. Bởi theo đại diện cơ quan này, đây là câu chuyện rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy, có niềm tin với khối DNNN để có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phát triển. Theo hướng này, trong giai đoạn mới, DNNN chỉ tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, có thể “đi tắt đón đầu” nhằm tạo ra hiệu quả lớn cho kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa chủ trương này, Dự thảo Đề án phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, chắp cánh đưa DNNN trở thành “sếu đầu đàn”.

Cụ thể, Dự thảo Đề án đề xuất các cơ chế, chính sách trên nguyên tắc phù hợp các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường công khai, minh bạch chính sách.

Với chính sách chung, Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các DN khác; đầu tư hình thành một số DNNN hoặc tham gia phát triển các DN có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới…

Theo đó, 4 lĩnh vực được đề xuất nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển DNNN quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường là: công nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; cảng biển và logistics; tài chính - ngân hàng.

Tương ứng với các ngành/lĩnh vực được lựa chọn nêu trên, Dự thảo Đề án đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các “sếu đầu đàn”. Chẳng hạn, với DNNN lựa chọn thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, sẽ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển dịch vụ số (như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử...); rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách về quỹ khoa học và công nghệ của DN phù hợp với thực tiễn để phát triển hạ tầng công nghệ số phục vụ hình thành hệ sinh thái số…

Với DN lựa chọn ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ nghiên cứu các xu thế phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (như năng lượng hóa học hydrogen, LNG); tiếp tục đầu tư phát triển lưới truyền tải điện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí quy hoạch để đảm bảo các nguồn điện được xây dựng đồng bộ với lưới điện truyền tải, tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải điện.

7 DNNN thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển DNNN quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường là: Viettel, VNPT, MobiFone; EVN, PVN; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Vietcombank.

Nếu cơ chế, chính sách nêu trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kỳ vọng trong thời gian tới, DNNN có thể phát huy tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm đương vai trò mở đường, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển. DNNN cùng với DN tư nhân và DN FDI sẽ tạo thế “kiềng ba chân” thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ.

Chuyên đề