Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông |
Để doanh nghiệp Việt vững tin bước vào hội nhập
Là người giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển DN, Thứ trưởng Đặng Huy Đông trăn trở: “Trên thực tế, tất cả các quốc gia đều có chính sách phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để phát triển DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp từ các sản phẩm đổi mới sáng tạo”.
Từng là người đứng đầu Cục Quản lý đấu thầu, Thứ trưởng dẫn chiếu về cơ hội để DN trong nước lớn mạnh thông qua chính sách mua sắm công: “Luật Đấu thầu đã theo thông lệ quốc tế, có quy định cụ thể nội dung ưu đãi cho DNNVV trong mua sắm công, tạo điều kiện cho các DNNVV được tham gia các gói thầu mua sắm công, giống như các nước khác”.
“Nhưng nội dung này triển khai thực hiện đến đâu thì cần được bàn thêm” - ông trăn trở và đưa ra đề nghị: “Muốn làm được, tôi đề nghị cơ quan quản lý về chính sách đấu thầu phải làm việc với cơ quan phát triển DNNVV để hiểu nhu cầu và những tiềm năng, khả năng cung ứng của DNNVV”.
Câu chuyện hội nhập và sức cạnh tranh của DN Việt chưa bao giờ “nóng” như trong năm vừa qua, khi Việt Nam tham gia đàm phán và ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), AEC chính thức đi vào vận hành. Và sức nóng ấy dường như lan đến trong câu chuyện rất dung dị giữa Thứ trưởng Đặng Huy Đông với chúng tôi. Như một lời nhắn nhủ, Thứ trưởng nói: “Bây giờ mở cửa rồi, phải cạnh tranh sòng phẳng chứ có được như ngày xưa nữa đâu! Nhưng trước hết là đối với các gói thầu lớn thì bên mời thầu phải có ý thức tạo điều kiện cho các sản phẩm sản xuất trong nước có khả năng tham gia, đáp ứng”.
Và ông nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước: “Để giúp chủ đầu tư, tư vấn hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu làm việc đấy tốt hơn thì phải có khảo sát, nhận diện, đánh giá về khả năng cung ứng của cộng đồng DN trong nước, cộng đồng DNNVV, DN khởi nghiệp từ các sản phẩm đổi mới sáng tạo”.
Cách tiếp cận của Thứ trưởng như mở cho chúng tôi thấy một cách nhìn, một cánh cửa để các DN nước ta bước vào hội nhập. Ông nói: “Sản phẩm của các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay DN trong nước nói chung khi ra phiên bản đầu tiên có thể chưa phải là sản phẩm hoàn hảo nhất. Nhưng khi DN kinh doanh sản phẩm đời đầu có lãi và bắt đầu có tích lũy thì họ có điều kiện hoàn thiện sản phẩm đời thứ hai. Mọi sản phẩm trên đời đều phải qua quá trình phát triển như vậy. Khi cho người ta cơ hội cọ xát với thị trường thì người ta hoàn thiện được phiên bản 2, phiên bản 3, phiên bản 4…, sau nữa sẽ đến phiên bản mà sản phẩm của chúng ta sang Trung Quốc, sang Indonesia, sang các nước khu vực ASEAN… có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng khác, thậm chí sang các nước Âu, Mỹ được”.
“Quan trọng trong cạnh tranh là ngoài chất lượng thì còn có giá nữa. Đơn cử như sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), năng lực CNTT của chúng ta rất tốt nhưng việc tích hợp thành sản phẩm, gói hàng cạnh tranh chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu DN của ta tạo ra được sản phẩm thì bởi vì lương, chi phí cho kỹ sư CNTT vẫn thấp hơn các nước trong khi chất lượng thì ngang bằng nên chúng ta vẫn cạnh tranh được. Đấy là cửa ra cho TPP. Và cần phải hiểu được ý nghĩa như vậy” - Thứ trưởng nêu ví dụ về câu chuyện “mở cánh cửa” để dẫn DN nước ta từng bước hội nhập thành công.
Câu chuyện hội nhập và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt chưa bao giờ “nóng” như năm vừa qua
Tạo cơ hội cho hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng
Nêu ví dụ về việc tạo điều kiện cho DNNVV tham gia các gói thầu mua sắm công, như trong ngành giao thông hay ngành điện lực, những ngành có nhiều gói thầu lớn về cung cấp sản phẩm, có thể thấy trên một con đường có rất nhiều thứ phải làm, trong toàn bộ công trình giao thông thì riêng phần biển báo, đèn tín hiệu, hay phần lan can có thể xem xét tách ra để đấu thầu giữa các DN nhỏ với nhau chứ không nên đưa hết vào trong một gói thầu lớn để chỉ một vài doanh nghiệp lớn tham gia được. Qua đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “Nếu chủ đầu tư, bên mời thầu có ý thức đối với sản phẩm trong nước thì qua công tác đấu thầu phải kiểm soát được các mặt hàng”.
Ông nhấn mạnh việc kiểm soát để tránh trường hợp khi nhà thầu chính, nhất là nhà thầu ngoại, thắng thầu cả gói lớn rồi để kèm các sản phẩm thứ yếu vào. Đề cập đến hàng ngoại kém chất lượng, ông nói: “Sản xuất bất kỳ một cái gì cũng có phế phẩm, luôn có một tỷ lệ phần trăm hoặc phần nghìn nào đấy là phế phẩm mà đã là phế phẩm không đủ chất lượng thì lẽ ra nó phải tốn chi phí tiêu hủy. Cho nên, chúng ta phải có hàng rào bảo vệ, phải có hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ các chứng chỉ kỹ thuật. Và nếu kiểm soát chặt chẽ như vậy thì hàng Việt Nam mới cạnh tranh nổi. Còn nếu hàng Việt phải cạnh tranh giá với hàng phế phẩm thì không cách gì hàng chúng ta cạnh tranh được”.
“Trong gói thầu mua sắm công, anh phải đặt ra, phải quan tâm được chuyện này. Phải đặt ra được hàng rào. Ta không cấm hàng ngoại nhưng hàng ngoại phải cạnh tranh sòng phẳng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật rồi sau đó là về giá. Mua sắm công mà ý thức được như vậy thì đó mới là cửa ra cho nền kinh tế. Bởi vì từ sản phẩm bán được trong nước như thế người ta bắt đầu sản xuất có hiệu quả và bắt đầu có tích lũy rồi chuyển sang nghiên cứu và phát triển tiếp để hoàn thiện hơn và qua các giai đoạn phát triển như thế thì đến sản phẩm phiên bản thứ 3 thứ 4 là đã rất hoàn thiện rồi, khi đó mới có thể ra đấu thầu quốc tế, tận dụng được cơ hội của TPP. Không quan tâm đến việc này, khi hàng hóa của nước ngoài tràn vào mình mà mình thì không ra được thị trường bên ngoài. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay” - Thứ trưởng Đặng Huy Đông thẳng thắn.
Để triển khai hiệu quả các nội dung vừa nêu, Thứ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ để hiểu. Từ việc hiểu biết về chủ trương, ý nghĩa của chương trình phát triển DNNVV sẽ đi đến hiện thực hóa trong chính sách mua sắm công bằng công tác tuyên truyền phổ biến, bằng công tác hoàn thiện khung pháp lý, thể chế… để thực hiện bằng được điều khoản về tạo điều kiện cho DNNVV tham gia thị trường mua sắm công đã được quy định trong Luật Đấu thầu. Thứ trưởng cũng cho rằng: “Đã đến lúc phải kiểm điểm, đánh giá lại việc triển khai thực hiện đến đâu, quán triệt giữa các cấp đến đâu và cần thiết thì trình ban hành một nghị định, chỉ thị hoặc thông tư rất chi tiết”.
“Mỗi một DN ra đời và hoạt động tốt sẽ tạo ra biết bao công ăn việc làm cho xã hội. Cho nên phát triển DNNVV là vô cùng quan trọng. Nếu như chính sách mua sắm công phù hợp thì mới hy vọng chúng ta có được nhiều sản phẩm quốc gia đủ năng lực cạnh tranh để tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà chúng ta đã cam kết hoặc đang sắp sửa gia nhập… Đấy là cách mà chúng ta mở cửa thành công, bền vững, phát triển dựa trên nền tư duy trí tuệ rất đáng tự hào của người Việt Nam. Và tôi tin chỉ cần chính sách mua sắm của Nhà nước hợp lý, đúng thì sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho sản phẩm nội cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.