Chặng đường mới của đấu thầu qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 16/9/2022, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) mới với nhiều tính năng, tiện ích chính thức vận hành, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, đưa hoạt động đấu thầu ở nước ta bước vào giai đoạn mới. Sự chú ý, quan tâm, chờ đợi của các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu đối với Hệ thống e-GP mới càng cho thấy kỳ vọng về một môi trường đấu thầu minh bạch, cạnh tranh, công bằng hơn trong tương lai.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới sử dụng được trên đa trình duyệt, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ thể sử dụng. Ảnh: Lê Tiên
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới sử dụng được trên đa trình duyệt, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ thể sử dụng. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES), tính đến 17 giờ ngày 16/9/2022, Hệ thống e-GP mới ghi nhận số lượng truy cập lên tới hơn 5.000 tài khoản; số lượng tài khoản chuyển đổi thành công trên Hệ thống e-GP mới là 171.572; số lượng tài khoản đăng ký mới trong ngày là 172 tài khoản...

Hệ thống mới được xây dựng trong khuôn khổ Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo và phối hợp với Nhà đầu tư là Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT và Doanh nghiệp dự án là IDNES để thực hiện. Hệ thống e-GP mới tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn/ được thiết kế và phát triển với 11 phân hệ thành phần, quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công, đấu thầu điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng và kết nối với Kho bạc Nhà nước để nhận và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu với tư cách bên mời thầu thường xuyên của các gói thầu giao thông, công ích khu vực phía Nam, ông Trần Tử Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị Sài Gòn đánh giá, Hệ thống e-GP mới đi vào vận hành tích hợp rất nhiều ưu điểm đối với cả chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu. Theo đó, việc sử dụng được trên đa trình duyệt là một trong những điểm cộng lớn nhất của Hệ thống này, tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể sử dụng. Cũng theo ông Dũng, trên môi trường Hệ thống e-GP mới, việc nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu sử dụng chứng thư số công cộng được cấp bởi bên thứ ba (tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng) sẽ tăng cường hơn tính pháp lý ràng buộc đối với các chủ thể tham gia đấu thầu qua mạng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, Hệ thống e-GP mới đi vào vận hành cho phép tổ chức đấu thầu qua mạng với hầu hết các loại hình gói thầu (trừ gói thầu EPC), áp dụng đấu thầu thuốc với quy trình được chuẩn hóa, sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tăng cường cơ chế giám sát trong đấu thầu, tạo thuận lợi hơn cho các bên trong quá trình tổ chức đấu thầu, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà thầu.

Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2009, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được thí điểm tại 3 đơn vị là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và UBND TP. Hà Nội. Kể từ năm 2015, Hệ thống được mở rộng triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc, với khung pháp lý về đấu thầu qua mạng đã được nâng cấp và hoàn thiện hơn tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Kết thúc giai đoạn thí điểm, kể từ năm 2016, đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình quy định tại các văn bản pháp lý trên.

Kết quả thực tiễn áp dụng cho thấy, năm 2021 đánh dấu năm đầu tiên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều hoàn thành lộ trình và vượt xa mọi chỉ tiêu thực hiện đấu thầu qua mạng được giao, trong đó, nhiều địa phương đạt được kết quả triển khai cực kỳ ấn tượng. Bước sang năm 2022, kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trên phạm vi cả nước vẫn đang cho thấy tín hiệu rất tích cực, hứa hẹn một năm tiếp đà bứt phá. Như vậy, trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đấu thầu qua mạng nói chung và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nói riêng đã và đang ngày càng góp phần tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động mua sắm công tại Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư