Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Phóng viên Báo Đấu thầu ghi lại những chia sẻ của GS. Akash Deep - Giảng viên cao cấp về chính sách công thuộc Đại học Harvard (Mỹ), tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật PPP, ngày 18/12/2019.
3 tiêu chí làm nên khác biệt của phương thức đầu tư PPP
Thứ nhất, đầu tư PPP nhấn mạnh vào cách tiếp cận toàn bộ vòng đời dự án và đối tác tư nhân thường chịu trách nhiệm cho cả hai giai đoạn xây dựng và vận hành. Chi phí của dự án PPP phải tính cả vòng đời dự án, chứ không chỉ chi phí xây dựng. Chi phí xây dựng đối với dự án PPP thường đắt đỏ hơn, nhưng nếu tính cả vòng đời dự án thì không phải như vậy. Ví dụ, xây dựng một tòa nhà, trả tiền là trả cho toàn bộ vòng đời và dịch vụ của tòa nhà. Xây tòa nhà mất 100 đồng, nhưng nhà đầu tư PPP xây mất 130 đồng, 30 đồng trội đó là chi phí vận hành, bảo hành cho toàn bộ rủi ro xảy ra trong vòng đời dự án, trong tình huống bất trắc chi phí duy trì tòa nhà có thể tới 160 đồng. Ký hợp đồng 130 đồng, được ảnh hưởng tích cực thì nhà đầu tư lãi, bị tác động tiêu cực thì nhà đầu tư lỗ, nếu nhà đầu tư làm 110 đồng mà thu hồi thì không hợp lý.
Thứ hai, thước đo dự án PPP là chất lượng dịch vụ cung cấp. Lấy ví dụ một dự án sân bay, đầu tư công quan tâm đến xây dựng được sân bay, đầu tư PPP quan tâm nhiều hơn đến sân bay xây dựng xong được vận hành, hoạt động ra sao, chất lượng dịch vụ như thế nào. Vì thế, với dự án đầu tư xây dựng sân bay, hợp đồng PPP yêu cầu về dịch vụ, ví dụ mỗi hành khách phải được 1,5 m2, thời gian chờ đợi tối đa để lấy hành lý là 30 phút, khu vực tư nhân tự quyết định, tính toán diện tích sân bay, hạ tầng cần thiết trong sân bay...
Thứ ba là phân bổ rủi ro hợp lý. Không thể đẩy cho tư nhân chịu những rủi ro mà họ không kiểm soát được.
Kiểm toán chất lượng dịch vụ thay vì kiểm toán chi phí
Thông lệ quốc tế là mua gì thì kiểm toán đó. Mua dịch vụ thì kiểm toán dịch vụ, mua tài sản thì kiểm toán tài sản. Cái cần mua của dự án PPP là dịch vụ được cung cấp, vì thế chuyển sang kiểm toán dịch vụ.
Không kiểm toán chi phí, công việc của kiểm toán vẫn rất nhiều và khó khăn, đó là kiểm toán hiệu quả hoạt động, tiêu chuẩn đầu ra có đảm bảo như hợp đồng hay không. Ví dụ với dự án xây dựng đường, ở thời điểm xây dựng xong, thay vì kiểm toán chi phí xây dựng sẽ kiểm toán độ an toàn trước khi thông xe. Với dự án sân bay, kiểm toán đánh giá lại mỗi chuyến bay hành lý đến hành khách mất bao lâu, mỗi hành khách có được 1,5 m2 vào giờ cao điểm hay không, thậm chí tranh luận đưa ra tòa vì vấn đề này liên quan đến thưởng, phạt. Hay mua một chiếc xe hơi, nếu đầu tư công kiểm toán chi phí mua xe, thì với PPP là kiểm toán dịch vụ vận chuyển từ việc mua chiếc xe hơi đó có đáp ứng yêu cầu không…
Công việc truyền thống của kiểm toán sẽ được thực hiện thay thế bằng cạnh tranh. Thực tế một dự án đường hầm ở Mỹ kiểm toán xác định chi phí là 1,2 tỷ USD, đưa ra đấu thầu nhà thầu chào 600 triệu USD do sử dụng công nghệ khác. Nếu họ xây dựng mất 500 triệu USD thì có quyền giữ lại 100 triệu USD, quan trọng là vẫn đảm bảo yêu cầu dịch vụ.
PPP không phải là trò chơi có kẻ thắng người thua. Thiết kế dự án PPP không phải là để ngăn chặn khu vực tư nhân thu lãi. Mục đích của Nhà nước là có dịch vụ công xứng đáng với giá trị đồng tiền bỏ ra. Mục đích của khu vực tư nhân là thu lợi nhuận, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp dịch vụ công theo hợp đồng. Trong nhiều trường hợp, việc tập trung quá nhiều vào chặn khu vực tư nhân thu lời, hơn là quan tâm dịch vụ công được cung cấp như thế nào là sai lầm. Nếu đầu tư một tuyến đường PPP, sau đó lưu lượng tăng cao, cũng là điều tuyệt vời cho Nhà nước, chứng tỏ khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn, lợi ích từ hạ tầng mang lại lớn, người dân cũng được hưởng lợi từ chất lượng hạ tầng tốt hơn.